Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi mọi lĩnh vực của đời sống, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một động lực then chốt thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất và hiệu quả trong nhiều ngành, đặc biệt là giáo dục. Việc xây dựng một chiến lược phát triển AI cho ngành giáo dục không chỉ là xu thế, mà còn là yêu cầu cấp thiết để Việt Nam bắt kịp và tham gia hiệu quả vào nền kinh tế tri thức toàn cầu.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 của Ban Chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và triển khai Đề án 06, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vai trò then chốt của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong sự phát triển của ngành Giáo dục. Đây không chỉ là nhiệm vụ kỹ thuật mà còn là yêu cầu chiến lược, có tác động trực tiếp đến chất lượng đào tạo, năng lực quản trị và khả năng thích ứng với các yêu cầu mới của xã hội.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn
Bộ trưởng cho biết, Chính phủ luôn dành sự quan tâm sâu sát đến lĩnh vực này. Các chương trình, đề án trọng điểm như Đề án 06 đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành.
Theo Bộ trưởng, đây là thời điểm thuận lợi để ngành Giáo dục phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và tận dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, hướng tới một nền giáo dục hiện đại, hội nhập, phát triển bền vững.
Theo Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin (KHCNTT) Phạm Quang Hưng, 6 tháng đầu năm 2025, các nhiệm vụ liên quan đến phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, nhiều nhiệm vụ trọng tâm đã hoàn thành đúng tiến độ.
Bộ GDĐT thường xuyên rà soát, cập nhật, đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn như: vướng mắc về thể chế, thiếu nguồn lực tại cơ sở, hạ tầng số chưa đồng bộ, hệ thống bảo mật còn hạn chế. Học bạ số và cơ sở dữ liệu ngành giáo dục vẫn cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Bên cạnh đó, các dịch vụ công trực tuyến của ngành đã có nhiều cải thiện tích cực. Tuy nhiên, phong trào “Bình dân học vụ số” cần được tăng cường, đặc biệt trong việc biên soạn, cung cấp tài liệu cho giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp.
Cục KHCNTT kiến nghị Bộ GDĐT sớm ban hành các văn bản pháp lý như thông tư, nghị định về học bạ số, văn bằng điện tử; đồng thời đẩy mạnh chỉ đạo và phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ để phát triển hạ tầng số toàn ngành. Hai phong trào “Bình dân học vụ số” và “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cần tiếp tục được mở rộng.
Còn theo ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (QLCL) cho biết, Cục đã có văn bản khảo sát và hướng dẫn cho 34 Sở GDĐT chuẩn bị cơ sở dữ liệu và thông tin về văn bằng số, nhằm nắm bắt tình hình triển khai chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06. Qua khảo sát, các địa phương đều thể hiện tinh thần sẵn sàng cao, dữ liệu cơ sở giáo dục đã cơ bản được chuẩn hóa. Tuy nhiên, nền tảng công nghệ thông tin và phần mềm tại nhiều tỉnh, thành vẫn chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và cần một đầu mối nền tảng, phần mềm chung của Bộ.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng
Đối với khối đại học, ông Chương khẳng định, các trường đã chủ động chuẩn bị cơ sở dữ liệu, thông tin về tốt nghiệp của người học để tham gia thực hiện thí điểm về văn bằng số. Về phía Cục QLCL, thời gian tới sẽ tập trung sửa đổi Thông tư 21 về quản lý văn bằng, chứng chỉ nhằm đồng bộ hóa với yêu cầu quản lý và triển khai văn bằng, chứng chỉ số. Ông đồng thời đề nghị Cục KHCNTT sớm hoàn thiện nền tảng, phần mềm và đầu tư hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm tiến độ thực hiện chung.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu các văn bản quy phạm pháp luật do Vụ Pháp chế chủ trì cần hoàn thành trước ngày 1/1/2026, nhằm tạo hành lang pháp lý cho chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và triển khai Đề án 06.
Về định hướng lâu dài, Bộ trưởng giao Cục KHCNTT xây dựng chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) cho ngành Giáo dục kèm kế hoạch triển khai cụ thể. Đồng thời, cần điều tiết hiệu quả nguồn lực từ Bộ Khoa học và Công nghệ, phối hợp ba nhà: nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp Về hạ tầng công nghệ, Ban Quản lý Dự án cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống để bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Bộ trưởng yêu cầu tất cả cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục phải kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong tháng 10/2025. Từ ngày 1/1/2026, toàn bộ thủ tục hành chính trong ngành phải thực hiện hoàn toàn trên nền tảng số. Để đáp ứng yêu cầu này, Cục KHCNTT cần khẩn trương rà soát, tăng cường nhân lực và tập trung xây dựng hạ tầng, yếu tố then chốt bảo đảm thực hiện đúng tiến độ.