WHO cho biết bệnh đậu mùa khỉ sẽ có tên gọi mới

(CL&CS) - Liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ, Tổ chức Y tế Thế giới thông tin sẽ có hai tên gọi là “Monkeypox” và “Mpox” sẽ được dùng đồng thời trong 1 năm cho đến khi từ “Monkeypox” bị loại bỏ hoàn toàn.

Từ đầu năm 2022, WHO đã hỏi ý kiến công chúng để tìm ra tên gọi mới cho bệnh đậu mùa khỉ. Một trong những cái tên nhận được nhiều sự ủng hộ nhất là "mpox" hoặc "Mpox". Cái tên này do một tổ chức chăm sóc sức khỏe dành cho nam giới có tên RÉZO cùng một số người khác đề xuất. Theo giám đốc RÉZO, việc bỏ đi hình ảnh loài khỉ trong tên bệnh giúp công chúng cảnh giác hơn với mức độ nghiêm trọng của bệnh đậu mùa khỉ.

WHO cho biết bệnh đậu mùa khỉ sẽ có tên gọi mới - Ảnh minh họa.

Tên gọi của bệnh đậu mùa khỉ xuất phát từ việc virus này được phát hiện lần đầu tiên ở những con khỉ trong phòng thí nghiệm tại Đan Mạch vào năm 1958. Bệnh cũng xuất hiện ở một số động vật khác, chủ yếu là các loài gặm nhấm.

Trước đó ngày 28/11, Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) thông báo tên tiếng Anh của bệnh đậu mùa khỉ - “Monkeypox” sẽ được đổi thành “Mpox”. Thông báo nêu rõ, sau nhiều cuộc tham vấn với các chuyên gia toàn cầu, WHO bắt đầu sử dụng thuật ngữ mới "Mpox" như từ đồng nghĩa của "Monkeypox".

Tình hình dịch bệnh Đậu mùa khỉ trên thế giới

Đến ngày 03/10/2022, thế giới ghi nhận 68.265 trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ tại 106 nước trên thế giới, trong đó có 25 trường hợp tử vong. Trong đó, khu vực Tây Thái Bình Dương có một số nước ghi nhận ca bệnh gồm: Australia (136), Singapore (19), Trung Quốc (5), New Zealand (5), Nhật Bản (4), Philippines (4), Hàn Quốc (2), Guam (1), New Caledonia (1). - Tổ chức Y tế thế giới đánh giá nguy cơ lây nhiễm toàn cầu ở mức trung bình, khu vực châu Âu và châu Mỹ ở mức cao, khu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) ở mức thấp đến trung bình, các khu vực khác ở mức trung bình.

Hai tên gọi nói trên sẽ được sử dụng đồng thời trong 1 năm cho đến khi từ “Monkeypox” bị loại bỏ hoàn toàn. WHO sẽ sử dụng "Mpox" trong trao đổi thông tin, khuyến khích các bên thực hiện những khuyến nghị này nhằm giảm thiểu bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào liên quan đến tên cũ và việc sử dụng tên mới.

Ngay khi nắm được tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo trong công tác phòng bệnh như sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ban hành công điện số 680/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ.

Bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận đầu tiên trên người vào năm 1970, sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi, hầu như không ghi nhận dịch tại khu vực khác. Tuy nhiên, từ tháng 5 năm 2022 đến nay dịch có diễn biến bất thường, đã ghi nhận dịch tại 12 quốc gia khu vực châu Âu, đây là lần đầu tiên ghi nhận các ổ dịch tại khu vực này, trong khi chưa xác định được mối liên hệ với khu vực dịch lưu hành trước đó. Tiếp đó, dịch bệnh đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh. Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Đến ngày 28/7/2022, WHO tiếp tục thông báo đã có trên 18 nghìn ca mắc tại 78 quốc gia, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Một số quốc gia gần với nước ta như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập.

Trong bối cảnh nước ta đang phải đối mặt với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như COVID-19, Sốt xuất huyết…; để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ với tinh thần và giải pháp là "Sớm một bước, cao hơn một mức", không để xảy ra dịch chồng dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân.

TIN LIÊN QUAN