Vượt BIDV, Agribank “vô địch” nợ xấu năm 2020

(CL&CS) - Vượt qua BIDV, Agribank trở thành “nhà vô địch” nợ xấu trong nhóm đại gia ngân hàng và có thể trong cả hệ thống (không bao gồm những ngân hàng 0 đồng).

Nợ xấu tăng, dự phòng giảm

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là đơn vị duy nhất trong nhóm “tứ đại gia ngân hàng” (bao gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – VietinBank) chưa niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Agribank thậm chí chưa cổ phần hoá. 

Đó là lý do trong khi các ngân hàng khác đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2021, mới đây, Agribank mới công bố báo cáo tài chính năm 2020. Trong đó, điểm đáng lưu ý nhất chính là nợ xấu tăng vọt nhưng ngân hàng lại giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Tại thời điểm 31/12/2020, tổng nợ xấu tại Agribank lên tới 21.527 tỷ đồng, tăng 3.681 tỷ đồng, tương đương 21% so với năm 2019. Nợ có khả năng mất vốn tăng vọt từ 12.499 tỷ đồng lên 16.357 tỷ đồng. Nợ xấu tại Agribank tương đương vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Vượt qua BIDV, Agribank trở thành “nhà vô địch” nợ xấu trong nhóm đại gia ngân hàng và có thể trong cả hệ thống (không bao gồm những ngân hàng 0 đồng).

Tỷ lệ nợ xấu tại Agribank năm 2020 và 2019 lần lượt chiếm 1,77% và 1,59% tổng dư nợ tín dụng. Có thể thấy, trong năm 2020, nợ xấu tăng cả về tỷ lệ lẫn số tuyệt đối.

Điều đáng nói, dù nợ xấu tăng, Agribank lại cắt giảm chi phí dự phòng. Trong năm, Agirbank dành 18.732 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 1.911 tỷ đồng, tương đương 9,3% so với năm 2019.

Dù giảm dự phòng nhưng Agribank vẫn không thể “cứu” được đà tăng trưởng dương về lợi nhuận. Năm 2020, lợi nhuận sau thuế tại Agribank giảm 585 tỷ đồng, tương đương 5,3% so với năm 2019.

Cần phải nhấn mạnh, 2020 là năm doanh nghiệp đối mặt với muôn vàn khó khăn do đại dịch Covid-19. Nhằm giúp doanh nghiệp vượt khó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Điều đó có nghĩa nhiều khoản nợ chưa được ghi nhận là nợ xấu dù thực tế đã là quá hạn. Vì vậy, trên thực tế, nợ xấu thực có thể lớn hơn các con số mà các ngân hàng đã công bố khá nhiều.

“Vô địch” nợ xấu năm 2020

Trước khi Agribank công bố báo cáo tài chính năm 2020, BIDV được báo chí ghi nhận là đứng đầu về nợ xấu. Nhưng kể từ khi Agribank lộ diện tình hình tài chính của mình, Agribank đã vượt qua BIDV để trở thành “Nhà vô địch nợ xấu” trong nhóm “tứ đại gia” ngân hàng, và cũng có thể trong cả hệ thống ngân hàng (không bao gồm các ngân hàng 0 đồng).

Cụ thể, năm 2020, nợ xấu tại BIDV lên đến  21.342 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm và chiếm 1,75%. Thế nhưng, nợ xấu tại BIDV vẫn ít hơn Agribank 185 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại thời điểm cuối năm 2020, nợ xấu tại VietinBank “chỉ” là 9.519 tỷ đồng (tương đương 0,9% tổng dư nợ tín dụng), nợ xấu tại Vietcombank là 5.230 tỷ đồng (tương đương 0,62%).

Gần đây, Agribank liên tục đấu giá các tài sản đảm bảo để siết nợ. Trong đó đáng chú ý nhất là đấu giá tài sản của con rể “chúa đảo” Tuần Châu.

Cụ thể, ngày 21/6/2021 tới đây, Agribank sẽ tiến hành đấu giá khoản nợ xấu hơn 12 tỷ đồng (bao gồm nợ gốc, lãi và tiền chậm nộp) của công ty thời trang Luala và Công ty TNHH nhà hàng Nhã Nam. Chủ sở hữu các Doanh nghiệp này là ông Đỗ Ngọc Minh- con rể chúa đảo Đào Hồng Tuyển, đồng thời là con ruột cựu Chủ tịch Agribank.

Khoản nợ này được ông Đỗ Ngọc Minh thế chấp bằng 1,5 triệu cổ phần phổ thông của Công ty CP T&H Hạ Long – một doanh nghiệp có liên quan đến Tập đoàn Tuần Châu của ông Đào Hồng Tuyển – do bà Đào Thị Đoan Trang – vợ ông Đỗ Ngọc Minh, tức con gái ông Đào Hồng Tuyển đứng tên sở hữu. 

TIN LIÊN QUAN