Vườn quốc gia hơn 123.000ha rộng nhất Việt Nam, trải dài trên địa bàn 3 huyện miền Trung, 2 lần được UNESCO vinh danh là Di sản Thiên nhiên Thế giới

Vườn quốc gia này được các tờ báo quốc tế nổi tiếng và hơn 50 tạp chí trên thế giới có rất nhiều bài viết giới thiệu.

Quảng Bình được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch với tài nguyên tự nhiên đa dạng, giá trị văn hóa độc đáo, trong đó nổi bật là Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

"Vương quốc" của các hang động

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nằm ở khu vực tây bắc tỉnh Quảng Bình, có đường biên giới với Khu bảo tồn thiên nhiên Hin Namno của Lào. Vườn có diện tích vùng trung tâm là 123.326ha và 217.674ha vùng đệm, hiện là vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam. Phong Nha - Kẻ Bàng nằm trong địa phận 13 xã thuộc 3 huyện: Minh Hóa, Bố Trạch và Quảng Ninh.

Vườn quốc gia này được các tờ báo quốc tế nổi tiếng như: The New York Times, The Guardian, The Mirror, The Huffington Post... và hơn 50 tạp chí trên thế giới có rất nhiều bài viết giới thiệu

Dãy núi đá vôi Kẻ Bàng là hoang mạc đá vôi lớn nhất thế giới. Đó là kết quả tiến hóa tự nhiên cách đây gần 400 triệu năm. Quá trình tạo núi phức tạp đã tạo cho Phong Nha - Kẻ Bàng địa thế hiểm trở, ẩn chứa một quần thể hang động kỳ vĩ, những tượng thạch nhũ đẹp nhất và những dòng sông tối ngầm dài nhất thế giới.

Từ năm 2003 đến nay, các chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã khảo sát, phát hiện 425 hang động thuộc 7 khu vực, hệ thống, trong đó có 389 hang động được đo vẽ với tổng chiều dài 243km. Nổi bật nhất là việc khám phá Sơn Ðoòng - hang động lớn nhất thế giới, có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu thám hiểm hang động ở khu vực.

Hang Sơn Đoòng
Hang Én
Tượng Phật Bà Quan Âm Bồ Tát trước cửa động Phong Nha

Theo đánh giá của UNESCO, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có 15 kiểu sinh cảnh rộng lớn với 10 kiểu thảm thực vật quan trọng. Nơi đây rừng kín thường xanh che phủ 93,57% diện tích, trong đó 83,74% là rừng nhiệt đới trên núi đá vôi điển hình hiếm có và hầu như chưa bị tác động. Đây là một trong những vườn quốc gia có độ che phủ và tỷ lệ rừng nguyên sinh lớn nhất trong hệ thống các rừng đặc dụng ở Việt Nam.

Tại vườn quốc gia này ghi nhận sự có mặt của 1.394 loài động vật, trong đó có 116 loài ghi trong sách đỏ IUCN, 82 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam; hàng chục loài có tên trong phụ lục bảo vệ khẩn cấp của Chính phủ và các tổ chức bảo tồn quốc tế. Sự đa dạng về rừng nguyên sinh trên núi đá vôi, hang động là điều kiện lý tưởng về sinh cảnh của 10 loài linh trưởng, chiếm 42% tổng số loài thuộc bộ linh trưởng ở Việt Nam.

Một cá thể linh trưởng quý hiếm tại Phong Nha – Kẻ Bàng

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng ghi nhận sự có mặt của 2.953 loài thực vật bậc cao, trong đó có 121 loài được ghi trong sách đỏ IUCN, 111 loài có trong sách đỏ Việt Nam. Sự đa dạng về hệ thực vật ở Phong Nha - Kẻ Bàng bao gồm cả thành phần loài, nguồn gen và tài nguyên thực vật.

Đây là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm

Trong khoảng 20 năm qua, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ghi nhận và công bố 43 loài mới cho khoa học, trong đó có 38 loài động vật, 5 loài thực vật. Đặc biệt, 10 năm trước, các nhà khoa học ghi nhận mẫu chuột đá Trường Sơn tại khu vực mở rộng của vườn. Đây là đại diện sống duy nhất của họ thú cổ, được xem là đã tuyệt chủng cách đây hàng triệu năm.

Bên cạnh đó, việc phát hiện quần thể bách xanh đá 500 tuổi, diện tích khoảng 4.000ha, mọc ưu thế trên núi đá vôi ở độ cao hơn 600m được coi là sinh cảnh rừng độc đáo nhất bởi tầm quan trọng toàn cầu và giá trị bảo tồn. Loài thực vật cổ và đặc hữu này của Việt Nam hiện chỉ còn sót lại chủ yếu ở Phong Nha - Kẻ Bàng.

Năm 2003, lần đầu tiên Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới theo tiêu chí giá trị ngoại hạng về địa chất và địa mạo. Đến năm 2015, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được vinh danh Di sản Thế giới lần hai với hai tiêu chí đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

97 văn tự bí ẩn trong hang động

Trong động Phong Nha, trên một vách đá nằm sâu trong hang còn lưu giữ nhiều dòng chữ cổ được cho là của người Chăm. Theo nhiều nguồn tài liệu được ghi chép và trích dẫn lại, vào cuối năm 1899, giáo sĩ Léopold Cadière chỉ bằng một chiếc thuyền độc mộc của người dân bản địa đã len lỏi vào sâu trong động Phong Nha đến hơn 600m.

Các ký tự cổ được cho là của người Chăm

Tại điểm cuối của động, ông phát hiện trên một vách đá có văn bia gồm 97 chữ và một số di tích như bàn thờ, bệ thờ, gạch nung, mảnh gốm và sành, đĩa… Sau chuyến đi đó, ông đã viết lại những gì ông đã chứng kiến, như sau:

"Bên phải lối vào động, có một bàn thờ bằng gạch của người Chiêm Thành do người An Nam trét lại. Có một bức tượng đá để trên bàn thờ, cẳng chân xếp với nhau có hình chữ Vạn trước ngực, khăn cuốn đầu che kín gáy".

Ông cho rằng động Phong Nha có thời kỳ là một nơi thờ tự linh thiêng nên còn gọi là chùa Hang. Ông còn đọc được một chữ trong số 97 chữ khắc là "Capimala". Tháng 12/1899, sau đợt thám hiểm Phong Nha, Cadiere viết thư cho Viện Viễn Đông Bác cổ khẳng định: “Những gì còn lại đó đều rất quý giá đối với sử học. Giữ nó là giúp ích không ít cho khoa học”...

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, chủ động triển khai thực hiện đồng bộ cả 3 hình thức tổ chức khai thác du lịch gồm: tự thực hiện, liên doanh liên kết và cho thuê dịch vụ môi trường rừng.

Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ là trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế trong tương lai

Ðến nay, Di sản Thiên nhiên Thế giới này đã có 15 tuyến, điểm du lịch đi vào hoạt động với nhiều loại hình du lịch phong phú, đa dạng, như: khám phá thiên nhiên, hang động, cắm trại, đi bộ, đu dây (zipline)... Việc phát triển dịch vụ du lịch đã thu hút lượng khách đến với di sản ngày càng tăng.

Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, mục tiêu của ngành du lịch Quảng Bình đó là đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia, quốc tế, với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm đa dạng, chất lượng cao.