Theo báo Lao Động, tại Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện có tổng cộng 29 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, liên kết vùng đang được đầu tư.
Trong số 29 dự án giao thông này, có 4 dự án đã được khởi công gồm: Sân bay Long Thành (giai đoạn 1), đường Vành đai 3 TP. HCM, càng hàng không Tân Sơn nhất, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Cùng với đó, có 5 dự án đang triển khai thủ tục đầu tư gồm: Cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa, cao tốc TP. HCM - Chơn Thành, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương và cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa.
Trong thời gian tới, sẽ có thêm 20 dự án giao thông của vùng Đông Nam Bộ được triển khai. Trong đó, đáng chú ý là tuyến Vành đai 4 TP. HCM với quy mô 6-8 làn xe. Tuyến đường đi qua 5 tỉnh thành là Long An, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng chiều dài khoảng 207km. Tổng vốn đầu tư cho dự án giai đoạn 1 là khoảng 127.230 tỷ đồng, trong đó phần xây dựng hơn 78.000 tỷ đồng và giải phóng mặt bằng trên 49.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển kinh tế biển, Đông Nam Bộ thời gian tới cũng sẽ triển khai dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 5,5 tỷ USD với sự tham gia của hãng tàu container lớn nhất thế giới - Mediterranean Shipping Company (MSC). Dự án dự kiến khởi công vào năm 2024 và triển khai 7 giai đoạn. Siêu cảng khi hoàn thành vào năm 2045 sẽ có 7,2km cầu cảng, có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000TEU), công suất thông qua 10-15 triệu TEU.
Dự án dự kiến tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 người lao động và đóng góp trực tiếp cho ngân sách thông qua các khoản thuế, phí ước tính từ 34.000-40.000 tỷ đồng/năm.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phạm vi ranh giới quy hoạch vùng gồm TP. HCM và 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh.
Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước. Đến năm 2030 cơ bản hoàn thành hệ thống kết cấu hạ tầng khung kết nối vùng Đông Nam Bộ và liên vùng. Trong đó, hạ tầng giao thông vùng đặt mục tiêu hoàn thành khoảng 850km đường bộ cao tốc, các tuyến đường sắt kết nối vùng, đường sắt đô thị, các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyến quốc tế, các cảng hàng không, đường thủy nội địa.