“Xé rào” tín dụng
Kiểm toán Nhà nước vừa công bố Báo cáo tổng hợp Kết quả kiểm toán năm 2020. Trong đó, tình hình hoạt động của tổ chức tài chính ngân hàng năm 2019 đã được Kiểm toán Nhà nước thống kê.
Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước cho biết một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (Pvocombank) là đơn vị vượt nhiều nhất với số tiền lên đến 13.656 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2019, chỉ tiêu cho vay khách hàng tại Pvcombank là 78.527 tỷ đồng, tăng 8.923 tỷ đồng, tương đương 12,8% so với năm 2018. Như vậy, số vượt chiếm tới 17,4% tổng dư nợ tín dụng.
Nợ xấu là 2.065 tỷ đồng, tương đương 2,63%. Năm 2018, các con số này là 1.725 tỷ đồng, tương đương 2,48%. Có thể thấy, trong khi Pvcombank “xé rào” tín dụng, nợ xấu tại ngân hàng này tăng cả về số tuyệt đối và tỷ lệ.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tại Pvcombank tiệm cận rất gần 3% - tỷ lệ “trần” mà Ngân hàng Nhà nước quy định. Nhưng trên thực tế, nợ xấu tại Pvcombank lớn hơn rất nhiều vì ở thời điểm cuối năm 2019, Pvcombank có trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành lên đến 5.098 tỷ đồng, tăng mạnh so với 4.062 tỷ đồng hồi cuối năm 2018.
Vì nợ xấu khổng lồ nên Pvcombank thường xuyên phải dùng nguồn lực lớn cho dự phòng. Năm 2019, ngân hàng đã phải trích 383 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng mạnh so với 227 tỷ đồng.
Vì vậy, Pvcombank cũng thường xuyên nằm trong Top bét bảng về lợi nhuận của hệ thống ngân hàng. Năm 2019, lợi nhuận sau thuế tại Pvcombank dù tăng rất mạnh nhưng cũng chỉ đạt 180 tỷ đồng.
“Lộ” lỗ 493 tỷ đồng
Trước khi bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra “lỗ” tăng trưởng tín dụng năm vượt mức tối đa cho phép, Pvcombank khiến dư luận xôn xao vì những ý kiến loại trừ của Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC, đơn vị thực hiện kiểm toán tại Pvcombank.
Theo đó, AASC khẳng định nếu hạch toán đúng quy định hiện hành, tổng lợi nhuận trước thuế của PVcomBank năm 2020 sẽ giảm trên 569 tỷ đồng, tương ứng mức lỗ mà ngân hàng này phải gánh là 493 tỷ đồng.
AASC cho biết tại ngày 31/12/2020, PvcomBank chưa thực hiện phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu đầy đủ đối với các khoản cho vay của khách hàng theo quy định hiện hành. Báo cáo kiểm toán độc lập cho rằng, nếu ngân hàng thực hiện theo đúng quy định, thì Tổng lợi nhuận trước thuế sẽ giảm 541,189 tỷ đồng.
AASC còn đưa thêm ý kiến loại trừ rằng PVcombank chưa thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho các tài sản có nội bảng khác đầy đủ theo quy định hiện hành. Nếu thực hiện, chỉ tiêu “Lợi nhuận chưa phân phối” giảm 253,924 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế sẽ giảm 130,262 tỷ đồng.
Đây không phải lần đầu tiên tình trạng này diễn ra. Trong nhiều năm trước, các công ty kiểm toán cũng đã chỉ ra lợi nhuận của Pvcombank có thể thay đổi lớn nếu Pvcombank hạch toán đúng quy định.
Mới đây, báo cáo tài chính riêng lẻ quý 1/2021 của Pvcombank cũng gây chú ý vì nghi án “giấu lỗ”.
Lợi nhuận sau thuế quý 1/2021 của ngân hàng đạt 21,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 19,6 tỷ đồng với mức tăng 1,9 tỷ đồng, tương đương 8,8% so với quý 1/2020. Tuy nhiên, trên thực tế, Pvcombank hoàn toàn có khả năng… thua lỗ nếu ngân hàng không giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Cụ thể, trong kỳ, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại Pvcombank chỉ là 28,2 tỷ đồng, giảm 25,3 tỷ đồng, tương đương 47%. Điều đáng nói, chỉ tiêu này bị cắt giảm khi nợ xấu tại Pvcombank vẫn rất cao. Tại ngày 31/3/2021, nợ xấu của ngân hàng là 2.623 tỷ đồng, tương đương 3,08%, vượt “trần” cho phép của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, Pvcombank còn có trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành lên đến 5.717 tỷ đồng.
Nếu Pvcombank không cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, ngân hàng đã lỗ 3,8 tỷ đồng.