Liên quan tới sự việc gạo mầm Vibigaba của Tập đoàn Lộc Trời bị “tố” ảnh hưởng đến sức khoẻ của khách hàng, mới đây, bà L.T.M. (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, bà đã từ chối nhận hỗ trợ từ phía công ty.
Lý do được bà M. đưa ra là do Tập đoàn Lộc Trời đã không minh bạch, khách quan trong việc mang mẫu gạo mà cô phản ánh đem đi thử nghiệm.
Cụ thể, bà M. cho rằng, việc Tập đoàn Lộc Trời lấy mẫu gạo tại nhà của bà mang đi xét nghiệm là việc làm hoàn toàn đúng, thể hiện trách nhiệm của Tập đoàn đối với sản phẩm của mình. Thế nhưng, khi xem kết quả thử nghiệm, bà hết sức thất vọng khi không hề có bất cứ thông tin nào chứng minh mẫu gạo mà công ty đem đi xét nghiệm là của bà.
Khách hàng từ chối nhận hỗ trợ từ phía Tập đoàn Lộc Trời do không đồng ý với cách xử lý của công ty này.
“Cái cô cần là câu trả lời chính xác cho chất lượng sản phẩm gạo mà cô đã sử dụng bấy lâu nay, chứ không phải là cái kết quả thử nghiệm mang tính chống chế. Thử nghiệm gạo mà không ghi rõ thông tin sản phẩm thì mang mẫu nào đi xét nghiệm chẳng được”, bà M. nói.
Cũng theo bà M., ngày 8/4, đại diện Tập đoàn Lộc Trời đã đến làm việc với bà và cho biết sẽ tài trợ cho bà khoản tiền tối đa 20 triệu đồng để đi khám bệnh. Cùng với đó, hỗ trợ cho bà mỗi tháng 4 kg gạo mầm Vibigaba đến hết năm 2021.
“Ban đầu, tôi đồng ý nhưng sau đó, ngồi nghĩ lại, họ bảo hỗ trợ tôi vì lòng trung thành, vì tôi góp phần quảng bá sản phẩm của họ đến với người tiêu dùng chứ không phải vì sản phẩm của họ có vấn đề. Tôi thấy sai sai. Nếu họ bảo họ không sai thì thôi, tôi cũng không cần họ hỗ trợ, vì tôi cũng không thiếu tiền đi khám bệnh. Hôm đó họ đến mang theo 8 ký gạo, tôi cũng đưa lại cho họ 10 ký gạo tôi mua từ năm 2020. Coi như là huề”, bà M. chia sẻ.
Bà M. cũng cho biết thêm, 8 kg gạo mầm Vibigaba công ty mang đến ngày 8/4 bà đã tặng cho một người bạn, còn bản thân bà đã chuyển sang sử dụng loại gạo khác. “Ăn gạo mầm 5 năm quen rồi. Nhưng với cách làm việc của Lộc Trời thì thôi, cô chuyển sang ăn gạo khác cũng được. Sức khoẻ của mình vẫn là ưu tiên hàng đầu”.
Như Chất lượng Việt Nam đã đưa tin, tháng 3/2021, bà L.T.M. (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã gửi khiếu nại đến một số cơ quan báo chí về chất lượng sản phẩm gạo mầm Vibigaba của Tập đoàn Lộc Trời. Theo đó, bà M. đã sử dụng gạo mầm Vibigaba cách đây 5 năm, kể từ sau khi phẫu thuật u não. Sau khi sử dụng, bà M. đánh giá gạo ăn rất tốt, trong người cảm thấy khoẻ khoắn, đầu óc minh mẫn, ngồi làm việc nhiều cũng không bị mỏi lưng. Chính vì thế, 5 năm qua, bà chỉ sử dụng gạo mầm Vibigaba chứ không dùng bất cứ loại gạo nào khác.
Tháng 10/2020, trước tình hình dịch bệnh covid-19 ngày càng phức tạp, do hạn chế ra ngoài, bà đã đặt 2 thùng gạo mầm Vibigaba (loại thùng 10 ký, bên trong chia thành 10 gói nhỏ, mỗi gói 1 ký) để về tích trữ, sử dụng dần.
Mới đây, khi đưa gạo ra sử dụng, bà M. khá bất ngờ khi gạo nấu lên ăn có vị đắng chứ không phải vị ngọt thường thấy như trước đây. Nghĩ rằng có thể do vị giác có vấn đề, bà tiếp tục sử dụng một bịch gạo khác, đồng thời cho bạn mình ăn thử thì cũng đều cảm giác có vị đắng.
Đáng nói, sau vài lần sử dụng sản phẩm gạo nói trên, bà M. cho biết, mình cảm thấy lưỡi bị tê, trong người lúc nào cũng mệt mỏi và dạ dày giống như tiết dịch nhờn gây khó chịu.
Lo lắng cho sức khoẻ, bà đã gọi điện đến đường dây nóng của Tập đoàn Lộc Trời để yêu cầu có câu trả lời về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, phía công ty đưa ra phản hồi mà theo bà là chưa thoả đáng, sau đó bà M. đã gửi thông tin đến 1 số cơ quan báo chí để khiếu nại.
Ngày 30/3, đại diện Tập đoàn Lộc Trời đã đến nhà bà M. để lấy mẫu gạo mang đi xét nghiệm. Và tới ngày 8/4, đại diện Tập đoàn Lộc Trời đã đến làm việc với khách hàng L.T.M, sau khi nhận được kết quả kiểm định sản phẩm.
Tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết, công ty đã mang mẫu gạo lấy tại nhà bà M. đi phân tích, kiểm nghiệm tại 2 đơn vị là Case và Eurofins. Theo đó, kết quả kiểm định gạo mầm Vibigaba đạt chất lượng như công bố và hoàn toàn bình thường, không có vấn đề gì.
Từ đó, đại diện Lộc Trời cho rằng, việc sản phẩm của Tập đoàn không có vấn đề gì mà lại bắt công ty trả tiền khám bệnh như theo yêu cầu của bà M. thì là làm khó công ty.
Thế nhưng, xét trên hoàn cảnh, và xét trên việc bà M. đã giúp công ty quảng bá sản phẩm, thì Lộc Trời có xin 1 khoản ngân sách truyền thông – marketing để hỗ trợ khách hàng đi khám bệnh. Đồng thời, hỗ trợ bà M. mỗi tháng 4 kg gạo (tính từ tháng 4/2021) đến hết năm 2021.
Tại buổi làm việc, đại diện công ty cũng đưa ra Biên bản làm việc số 01/2021/XLKNKH/Vibigaba được đánh máy sẵn cho khách hàng đọc và ký tên. Tuy nhiên, do nhiều thông tin trong biên bản này chưa đúng và phù hợp, bà M. đã đề nghị công ty chỉnh sửa và gửi lại cho mình vào thời gian sau.
Theo tìm hiểu của PV, quy trình lấy mẫu ngày 30/3 của Lộc Trời không được lập biên bản lấy mẫu, không có sự chứng kiến của cơ quan chức năng, không ghi rõ thông tin sản phẩm… Đáng chú ý, theo kết quả thử nghiệm mà Tập đoàn Lộc Trời cung cấp cho khách hàng, mẫu thử nghiệm được công ty xét nghiệm tại Case và Eurofins hoàn toàn không có bất cứ thông tin nào chứng minh được, đây là mẫu gạo lấy từ nhà khách hàng.
Một điều khá lạ lùng, đó là kết quả thử nghiệm về hàm lượng chất Gaba có trong gạo mầm Vibigaba của Case và Eurofins. Cụ thể, trong kết quả kiểm nghiệm mà Case trả về cho Lộc Trời ngày 9/4/2021, hàm lượng Gaba có trong gạo mầm Vibigaba là 110 mg/kg. Thế nhưng, trong kết quả được Eurofins trả về ngày 14/4/2021, hàm lượng Gaba trong mẫu được phân tích, lại lên tới 122 mg/kg.
Cùng 1 mẫu gạo đem đi phân tích, nhưng 2 kết quả lại chênh nhau tới hơn 10% - con số tương đối lớn trong ngành phân tích, thí nghiệm. Đây cũng chính là điều khiến nhiều người khó hiểu và đặt ra câu hỏi về tính minh bạch của mẫu sản phẩm đem đi phân tích từ Tập đoàn Lộc Trời.