Chiều 11/10, Thường trực Chính phủ đã có buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
Tại sự kiện, bà Phạm Thị Nhung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết thời gian qua ngân hàng có 2 tin vui. Thứ nhất, VPBank đã thành công huy động hàng tỷ USD nguồn vốn từ các định chế tài chính quốc tế. Mới đây, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã ký Cam kết khoản vay song phương với VPBank trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam. VPBank cũng đang trong những bước hoàn thiện cuối cùng của thương vụ bán 15% cổ phần cho đối tác là 1 trong 3 tập đoàn tài chính lớn nhất của Nhật Bản.
Những việc này sẽ giúp VPBank có nguồn vốn vững mạnh cho phép mở rộng khả năng hỗ trợ các khoản tín dụng trung vài dài hạn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án phát triển xanh, các dự án hạ tầng… góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, VPBank cũng đã thực hiện một loạt những giải pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm giảm lãi suất cho khách hàng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Gần đây nhất, VPBank đã dành một gói vay trị giá 13.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5%/năm để hỗ trợ khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh. Với những nỗ lực đó, tăng trưởng tín dụng của VPBank từ đầu năm tới nay đã vượt mức 20%, cao hơn so với mức trung bình toàn ngành.
Thứ hai, VPBank là một trong những ngân hàng tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tiếp quản một ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc. Thời điểm hiện tại, VPBank đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực.
"Ngay khi được chuyển giao, chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào việc tái cơ cấu lại ngân hàng đó. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi nguồn lực cần thiết, kinh nghiệm và năng lực của VPBank có được trong 30 năm qua, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng sẽ hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ và NHNN giao phó, tái cơ cấu thành công ngân hàng được chuyển giao", Phó TGĐ VPBank cho biết.
Theo bà Nhung, VPBank phát triển không chỉ vì lợi ích của cá nhân, các cổ đông, VPBank ý thức rằng phải có trách nhiệm với cộng đồng, với toàn xã hội đúng như tôn chỉ, mục đích "Vì một Việt Nam Thịnh vượng" của VPBank.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ đạt gần 8.000 tỷ đồng. Các công ty con trong hệ sinh thái ghi nhận kết quả tích cực trong quý 2, đóng góp vào lợi nhuận chung của ngân hàng. Tuy vậy, do khó khăn chung của thị trường, sự phục hồi của FE Credit chậm hơn dự kiến khiến lợi nhuận hợp nhất của VPBank không đạt kỳ vọng. Điểm tích cực là FE Credit bước đầu ghi nhận tình hình kinh doanh cải thiện với mức lỗ đã giảm dần so với đầu năm.
Ngoài ra, VPBank cho biết, dự kiến trong quý 3, ngân hàng sẽ thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông lần đầu tiên trong 10 năm qua, với tỷ lệ 10% từ nguồn lợi nhuận năm 2022.
Trong 5 năm tiếp theo, ban lãnh đạo ngân hàng dự định dành tới 30% lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông.