Sau chuỗi ngày tăng mạnh mẽ, VN-Index đã quay đầu sụt giảm. Hôm qua, VN-Index giảm 29,93 điểm, tương đương - 2,57%, xuống 1.136,12 điểm.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong phiên kế tiếp. VN-Index có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1105-1120 điểm. Dự báo của BVSC đã thành hiện thực trong phiên 27/1.
Ngay từ đầu phiên, thị trường đã chìm trong sắc đỏ. Đóng cửa ngày 27/1, VN-Index duy trì đà giảm sâu, giảm 38,95 điểm, tương đương 3,43% xuống 1.097,17 điểm. Thanh khoản sàn TP.HCM tiếp tục đứng ở mức cao khi có tới gần 786 triệu cổ phiếu, tương đương 16.779 tỷ đồng được giao dịch thành công.
Áp lực bán ra lan rộng toàn thị trường nhưng nặng nề hơn với nhóm blue-chips. Vì vậy, VN30-Index có tốc độ giảm mạnh hơn VN-Index. Chốt phiên, VN30-Index dừng ở mức 1.083,63 điểm sau khi giảm 41,46 điểm, tương đương 3,69%. Có gần 251 triệu cổ phiếu, tương đương 7.846 tỷ đồng được trao tay trong nhóm VN30.
Trong nhóm VN30, có 3 blue-chips giảm sàn: VRE giảm 2.550 đồng/CP xuống 34.450 đồng/CP. SSI giảm 2.200 đồng/CP xuống 29.800 đồng/CP. SBT giảm 1.450 đồng/CP xuống 19.750 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, 3 blue-chips hiếm hoi duy trì được sắc xanh là ROS, NVL và MWG. MWG tăng 1.500 đồng/CP lên 133.500 đồng/CP. NVL tăng 200 đồng/CP lên 81.200 đồng/CP. ROS tăng 290 đồng/CP lên 5.170 đồng/CP.
Sàn Hà Nội chứng kiến đà “rơi” mạnh hơn. HNX-Index giảm 7,03 điểm, tương đương 3,09% xuống 220,79 điểm. HNX30-Index giảm 17,55 điểm, tương đương 5,04% xuống 330,73 điểm. HNX30-Index trở thành chỉ số giảm mạnh nhất thị trường.
Có tới 8/30 blue-chips trên sàn Hà Nội giảm sàn và 3 mã hiếm hoi tăng giá. DDG tăng 100 đồng/CP lên 30.100 đồng/CP. DHT tăng 300 đồng/CP lên 53.800 đồng/CP. NVB tăng 600 đồng/CP lên 13.900 đồng/CP.
BVSC nhận định áp lực giảm điểm của thị trường vẫn đang hiện hữu, tuy nhiên biên độ giảm điểm có thể sẽ không còn lớn.
BVSC đánh giá thông tin kết quả kinh doanh quý IV/2020 sẽ không còn tác động nhiều đến diễn biến thị trường. Ngoài ra, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số VN30, VNFINLEAD… sẽ tạo ra ảnh hưởng rõ nét hơn đến diễn biến thị trường và có thể khiến các cổ phiếu thành phần của các rổ chỉ số này có biến động mạnh trong những phiên cuối tuần.
Chiến lược đầu tư mà BVSC đưa ra cho nhà đầu tư là duy trì tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức 40-60% cổ phiếu. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung, dài hạn.
Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, BVSC khuyên nên xem xét các nhịp hồi phục tăng điểm của thị trường để thực hiện bán giảm tỷ trọng về mức cân bằng.
Có thể thấy, so với thị trường châu Á – Thái Bình Dương, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh hơn.
Trong phiên 27/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 0,31% đóng cửa ở mức 28.635,21 trong khi chỉ số Topix tăng 0,65% để kết thúc ngày giao dịch ở mức 1.860,07. Kospi của Hàn Quốc đóng cửa thấp hơn 0,57% ở mức 3.122,56.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng cao hơn trong ngày: Shanghai composite tăng 0,11% lên 3.573,34 trong khi thị trường Thâm Quyến tăng 0,4% lên 15.413,84. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đi ngang, tính đến giờ giao dịch cuối cùng, với cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba tăng 2,76%.
Ở chiều ngược lại, các chỉ số nếu giảm thì chỉ giảm nhẹ. Tại Australia, S&P/ASX 200 giảm 0,65%, đóng cửa ở mức 6.780,60. Chỉ số giá tiêu dùng của Úc đã tăng 0,9% so với quý trước trong quý tháng 12, theo dữ liệu do Cục Thống kê nước này công bố.