Vĩnh Phúc: Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tích cực, thu ngân sách trong top đầu cả nước

(CL&CS) - Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tháo gỡ nút thắt về đất đai, tăng cường giải phóng mặt bằng… Đây là những điểm nhấn đáng chú ý trong công tác điều hành trong năm 2023 giúp tỉnh Vĩnh Phúc đạt kết quả tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, thu hút đầu tư rất khả quan trong bối cảnh đối mặt nhiều khó khăn.

Quang cảnh phiên họp.

Tăng trưởng kinh tế lội ngược dòng

Ngày 29/12, Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 12 cho ý kiến vào báo cáo phát triển kinh tế - xã hội, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết đất dịch vụ năm 2023; thực hiện giao chỉ tiêu, kế hoạch và ngân sách năm 2024 và một số nội dung quan trọng khác. Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

Theo báo cáo của Uỷ ban nhân tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2023 phát triển kinh tế xã hội của Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi nhưng cũng đối mặt nhiều khó khăn.

Đặc biệt, là địa phương có độ mở kinh tế cao (cao hơn khoảng 2 lần so với bình quân chung của cả nước), hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng, doanh nghiệp FDI đóng góp quan trọng vào thu ngân sách và cơ cấu kinh tế của tỉnh; trong khi đó, năm 2023 tiêu dùng của thế giới sụt giảm, một số doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, tồn kho cao...

Năm 2023, một số chính sách sách kích cầu không được gia hạn như giảm lệ phí trước bạ, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô... dẫn đến sức mua trong nước thấp, tỷ lệ tồn kho cao; tình hình thiếu hụt năng lượng điện trên toàn quốc cũng như trên địa bàn tỉnh ở một số thời điểm gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh... Những khó khăn nói trên đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh.

Những khó khăn của các DN lớn đã tác động rất mạnh làm cho kinh tế của Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, dù kinh tế bị tác động mạnh, năm 2023 Vĩnh Phúc vẫn là địa phương giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định.

Tăng trưởng kinh tế tuy không đạt mục tiêu đề ra nhưng vẫn được đánh giá là nền kinh tế có quy mô lớn, tăng trưởng dương. Thu ngân sách của Vĩnh Phúc vẫn ổn định, trong nhóm các địa phương có số thu ngân sách lớn. Đây được xem là thành công rất lớn.

Cụ thể, độ tăng trưởng GRDP của tỉnh phục hồi, quý sau cao hơn quý trước. Nếu như GRDP quý 1 giảm 0,5% (là một trong 5 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng âm), thì trong 6 tháng đầu năm GRDP đã quay đầu tăng 1,69%, duy nhất Vĩnh Phúc có tăng trưởng âm quý 1 phục hồi tăng trưởng trong năm, ước GRDP cả năm tăng 2,37%.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt trên 30 nghìn tỷ đồng, dự kiến nằm trong 8 địa phương có số thu cao nhất cả nước.

Trẻ em vui chơi tại nhà văn hoá thôn Phú Hạnh, xã Thượng Trưng (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Ảnh: H.Anh

Trong phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc có nhiều điểm sáng: thu hút đầu tư FDI, DDI tăng cao và đây là năm tỉnh có kết quả giải ngân vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố; 2023 là năm đền bù giải phóng mặt bằng đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay.

Đáng chú ý, bên cạnh các điểm sáng về kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được tỉnh được quan tâm đầu tư, phát triển; các chỉ số về thu nhập, đời sống người dân đều nằm trong top 10 tỉnh, thành có chỉ số tốt nhất cả nước.

Quyết liệt chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế

Theo nhận định, có được những kết quả khả quan trong phát triển kinh tế xã hội là do ngay từ đầu năm, địa phương đã tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tháo gỡ nút thắt về đất đai, tăng cường giải phóng mặt bằng.

Điểm nhấn về chỉ đạo điều hành được ghi nhận chính là việc phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương; tổ chức nhiều hội nghị UBND tỉnh, hội nghị giữa lãnh đạo UBND tỉnh với các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc giải quyết các vi phạm, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Một thông tin đáng chú ý tại báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc, đây cũng là năm địa phương quyết liệt chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế để phát triển kinh tế. Tỉnh đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư, rà soát đối với 76 dự án đô thị, 446 dự án thương mại, dịch vụ; sau thanh tra, kiểm tra, tự rà soát; kết quả đã thu hồi 6 dự án nhà ở, dự án đô thị, 31 dự án thương mại, dịch vụ, xử phạt vi phạm hành chính đối với 60 nhà đầu tư; thu hồi hơn hàng trăm ha đất KCN và hàng nghìn ha đất của các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Nhiều vụ việc kéo dài qua nhiều năm, khó xử lý như vụ việc liên quan Công ty Kim Long, Dự án do công ty Vinaconex2 làm chủ đầu tư, dự án khu đô thị sinh thái Âu Cơ được xử lý dứt điểm, trong đó đã khởi tố hình sự vụ việc liên quan công ty Kim Long.

Trong năm 2023, 266 tập thể phải kiểm điểm trách nhiệm; xử lý kỷ luật 9 tập thể; xử lý kỷ luật 96 cá nhân. Từ 16/3/2020 đến đầu tháng 12/2023 đã xử lý 12.000 trường hợp vi phạm đất đai, với diện tích 389.12 ha; Trong năm đã khởi tố 7 vụ án hình sự liên quan vi phạm đất đai.

Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng từ 7,5-8,5%; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn chiếm khoảng 30-33% GRDP theo giá hiện hành; thu ngân sách phấn đấu đạt 30.425 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 25.025 tỷ đồng; thu hút 400 triệu USD vốn FDI và 5.500 tỷ đồng vốn DDI.

TIN LIÊN QUAN