Sở hữu vẻ đẹp ngút ngàn của biển cả
Vịnh Xuân Đài - Phú Yên là một vịnh nhỏ nằm ở dưới chân dốc Găng thuộc xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Nơi đây được ví như một “nàng tiên” giữa xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh bởi sở hữu vị trí bắt trọn khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, mộc mạc cùng với màu sắc độc đáo khác nhau của biển cả tạo nên sự thơ mộng, trữ tình tại vùng đất này.
Vùng đất này thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh, lưu dân có từ rất sớm, đa phần dân cư sinh sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản. Năm 1611, từ thời Thành hoàng Lương Văn Chánh vào khai khẩn vùng đất Phú Yên từ đèo Cù Mông đến Đèo Cả, danh xưng Sông Cầu đã xuất hiện và thuộc huyện Đồng Xuân, phủ Trấn Biên.
Sông Cầu có địa hình phía Tây là dãy núi cao, phía Bắc là núi Cù Mông cao 245m so với mặt nước biển; một nhánh của dãy Trường Sơn hùng vĩ khi vào đến Phú Yên, như con rồng khổng lồ trườn ra biển Đông, làm cho bờ biển Sông Cầu cực đẹp, khi thì cong như vầng trăng khuyết, lúc thì bờ cát trắng trải dài phẳng lỳ. Nơi đây có nhiều đầm vịnh lớn nên khí hậu ấm vào mùa đông, mát về mùa hè, cây trái xanh tươi bốn mùa, đặc biệt là cây dừa mà không đô thị miền Trung nào có được.
Vịnh Xuân Đài được hình thành từ dãy núi Cổ Ngựa, dài khoảng 15km, như con kỳ lân khổng lồ chạy dài theo bờ biển, trườn về hướng nam, tạo nên bán đảo Xuân Hòa, Xuân Thịnh. Vịnh có diện tích 1.300ha, cửa vịnh rộng hơn 4,5km quay về hướng đông nam thông ra biển Đông.
Đứng trên đỉnh dốc Găng, quốc lộ 1 nhìn xuống, vịnh Xuân Đài như bức tranh sơn thủy hữu tình, một vùng non nước thắm đượm màu xanh; mặt nước trong xanh phẳng lỳ, đồi núi xanh, phố phường, làng mạc xen lẫn màu xanh của rừng dừa, bầu trời trong xanh thăm thẳm; nơi đây bất chợt có những cơn mưa trong nắng.
Xung quanh vịnh Xuân Đài có nhiều bãi tắm đẹp như Vũng La, Vũng Chào, nhiều đảo nhỏ cực đẹp như cù lao Ông Xá, hòn Nhất Tự Sơn, mũi Đá Mài, mũi Tai Mã… Vịnh Xuân Đài là vịnh lớn, nước sâu, cửa vịnh rộng kín gió rất thuận lợi cho tàu thuyền ra vào. Nơi đây từ xa xưa đã có thương cảng Vũng Lắm tại phường Xuân Đài, TX Sông Cầu ngày nay.
Với vẻ đẹp và tiềm năng của mình, Vịnh Xuân Đài được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích thắng cảnh quốc gia năm 2011.
Hơn cả một điểm du lịch
Không chỉ là một địa điểm du lịch, Xuân Đài mang trên mình nhiều dấu tích lịch sử.
Năm 1611, người Việt di dân đến vùng đất Cù Mông, vịnh Xuân Đài, chia thôn lập ấp, trong đó có nhiều người Hoa tới đây buôn bán. Tàu thuyền ra vào cảng Vũng Lắm trao đổi, mua bán hàng hóa nhộn nhịp.
Cách cảng khoảng 100m về phía bắc, chợ Vũng Lắm chỉ họp vào ban chiều, hàng hóa từ Quy Nhơn vào, Tuy Hòa ra, Đồng Xuân xuống, từ các tàu buôn cập cảng đưa lên. Chợ cũng như thương cảng Vũng Lắm chỉ phát triển khi có sự tham gia của cộng đồng người Hoa.
Năm 1832, tại Vũng Lắm, phái đoàn tàu cảng của Hoa Kỳ do ông Pdmundraberis dẫn đầu đã cập bến để thương thuyết, đặt quan hệ với triều đình nhà Nguyễn và chính quyền sở tại, hai bên bàn bạc mua bán, thông thương hàng hóa nhưng không thành nên cảng Vũng Lắm không được đầu tư.
Năm 1887, người Pháp xây dựng Tòa công sứ tại Vũng Lắm, thương cảng Vũng Lắm trở nên nhộn nhịp, sầm uất.
Cuối thế kỷ XIX, kinh tế - xã hội bị khủng hoảng, sa sút. Triều đình nhà Nguyễn lại thực hiện chính sách “trọng nông, ức thương”, các tàu thuyền lớn nước ngoài chỉ được ra vào các cảng lớn như Hội An, Đà Nẵng.
Ngoài ra, khi đường sắt Bắc - Nam đi vào hoạt động, Hoa thương tại Vũng Lắm di cư đến các đô thị dọc đường sắt Bắc - Nam thuận lợi trong việc buôn bán nên chợ và thương cảng Vũng Lắm không còn điều kiện để phát triển.
Ngày nay, người dân tại Xuân Đài sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng thủy hải sản. Bên cạnh đó, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương cùng tiềm năng du lịch vô cùng lớn, Vịnh Xuân Đài được định hướng trở thảnh mũi nhọn du lịch của tỉnh Phú Yên và trở thành khu du lịch có giá trị trong hệ thống du lịch của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.