Vinatex đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng

(CL&CS) - Vinatex đặt kế hoạch tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 17.365 tỷ đồng và 700 tỷ đồng, tăng 17% và 18% so với thực hiện năm 2020. Dự kiến không trả cổ tức năm 2020.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex – Mã: VGT) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021. Doanh nghiệp đặt kế hoạch tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 17.365 tỷ đồng và 700 tỷ đồng, tăng 17% và 18% so với thực hiện năm 2020.

Vinatex cũng đặt mục tiêu doanh thu trong năm 2021 của công ty mẹ đạt 1.522 tỷ đồng, tăng hơn 5%; lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 201 tỷ đồng, tăng 37,3% so với thực hiện năm 2020.

Quý 1/2021, Vinatex ghi nhận hơn 3.377 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 99 tỷ đồng lãi ròng, giảm lần lượt 15% và 12% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, Vinatex đã thực hiện được 20% chỉ tiêu doanh thu và  31% chỉ tiêu lãi trước thuế so với kế hoạch kinh doanh chuẩn bị được trình tại ĐHĐCĐ thường niên 2021.

Năm 2020, tập đoàn trình cổ đông phương án không chia cổ tức. Còn năm 2021, doanh nghiệp dự kiến sẽ chia cổ tức tỷ lệ 6% trên vốn điều lệ mới. Nguồn vốn được trích từ lợi nhuận còn lại đến năm 2020 và lợi nhuận sau thuế năm 2021.

Năm 2020, tập đoàn trình cổ đông phương án không chia cổ tức, còn năm 2021, doanh nghiệp dự kiến sẽ chia cổ tức tỷ lệ 6% trên vốn điều lệ mới. 

Ngoài kế hoạch kinh doanh, Vinatex cũng đề ra kế hoạch đầu tư cho năm 2021 với 3 dự án có tổng mức đầu tư đạt 1.304 tỷ đồng, bao gồm tòa nhà văn phòng ở TP.HCM với tổng mức đầu tư 483 tỷ đồng với kế hoạch giải ngân 200 tỷ đồng trong năm 2021, nhà máy Sợi Nam Định có mức đầu tư 635 tỷ đồng với 277 tỷ đồng sẽ được giải ngân trong năm nay, dự án thứ ba là tòa nhà văn phòng và cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội với mức đầu tư 186 tỷ đồng và sẽ giải ngân 59 tỷ đồng trong năm 2021 trong trường hợp hoàn tất các thủ tục pháp lý trong quý 3/2021.

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, Vinatex đánh giá thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam là Mỹ, có hy vọng phục hồi nhu cầu trong năm 2021 với gói kích thích 1.900 tỷ USD để đẩy mạnh tiến độ tiêm vaccine.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc khá tiềm năng và kỳ vọng sẽ dần trở thành nước tiêu thụ hàng dệt may lớn của Việt Nam. Nguyên nhân đến từ chiến lược 5 năm lần thứ 14 của ngành dệt may Trung Quốc sẽ không tập trung sản xuất hàng may mặc. Số liệu quý 1 cho thấy xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Trung Quốc tăng trưởng tốt nhất trong 5 thị trường lớn và vươn lên bằng kim ngạch xuất khẩu vào EU của Việt Nam.

Ngược lại, châu Âu đứng trước nguy cơ dịch tái bùng phát lần 3 và kinh tế Nhật Bản chưa phục hồi dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu dệt may tại 2 thị trường này gặp nhiều thách thức.

Bên cạnh đó, Vinatex cũng đưa ra thêm một số khó khăn của tập đoàn như xu hướng hàng may mặc thay đổi khi tăng nhu cầu hàng may mặc thông thường, hàng thể thao; trong khi hàng công sở, lễ phục (sơ mi, quần âu, veston,...) là mặt hàng thế mạnh chưa tái phục hồi.

TIN LIÊN QUAN