Trong những năm vừa qua, Vinasun đứng trước áp lực cạnh tranh gay gắt của taxi công nghệ đã liên tục mất thị phần vào đối thủ. Từ 2016 đến nay, doanh thu của Vinasun liên tục giảm, từ mức 4.520 tỷ đồng của năm 2016 chỉ còn 1.006 tỷ đồng vào năm 2020.
Đi liền với doanh thu giảm là nhân sự rời công ty tăng mạnh. Từ 17.160 nhân sự vào năm 2016, đến cuối năm 2020, Vinasun chỉ còn 4.398 người lao động. Trong 5 năm qua, Vinasun đã hứng chịu doanh thu giảm 77,7%, nhân sự giảm 74,4%.
Doanh thu giảm đều khiến lợi nhuận cũng suy sụp. Từ mức lãi 311 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của năm 2016 đã giảm về 109 tỷ đồng trong năm 2019. Năm 2020, ngoài áp lực cạnh tranh từ taxi công nghệ là đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh, Vinasun lần đầu tiên có lợi nhuận gộp -30 tỷ đồng. Các chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính đã buộc công ty báo lỗ 207 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ.
Dù kết quả kinh doanh của Vinasun tụt dốc nhưng không là điều bất ngờ với cổ đông. Bởi vì, đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 được tổ chức vào ngày 30/6/2020, công ty đặt mục tiêu doanh thu chỉ đạt 1.180 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế -115 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu thực hiện bằng 85% kế hoạch, còn lợi nhuận lỗ thêm 92 tỷ đồng.
Với kết quả này, cổ phiếu VNS của Vinasun sẽ bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa vào diện cảnh báo trong thời gian tới. Hiện nay, cổ phiếu VNS có tính thanh khoản thấp, bình quân 7.410 cổ phiếu/phiên. Đóng cửa ngày 2/4, VNS đạt 10.300 đồng/cổ phiếu giúp vốn hóa công ty đạt 733 tỷ đồng.
Hiện nay, cổ đông lớn của Vinasun là Chủ tịch HĐQT Đặng Phước Thành với tỷ lệ sở hữu 24,92%; Công ty TNHH Tư vấn Kim Ngưu sở hữu 12,67%; bà Ngô Thị Thúy Vân sở hữu 10,56%; bà Nguyễn Kim Phương sở hữu 5,01% và Nguyễn Ngọc Phi sở hữu 5%.