Tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đạt 1.823.962 tỷ đồng, tăng 0,9% so với 1/1/2023 (YtD).
Cho vay khách hàng tăng trưởng 4,6% YtD (+58.288 tỷ đồng), đạt 1.333.109 tỷ đồng. Tăng trưởng dư nợ cho vay tập trung vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn (+16,7% YtD) và FDI (+5,7% YtD). Tuy nhiên, năm 2023, VietinBank vẫn định hướng tập trung tăng trưởng bán lẻ và SME, ưu tiên nguồn lực tăng trưởng đối với khách hàng cá nhân và SME, các ngành đang có tiềm năng tăng trưởng tốt như: điện, viễn thông, thiết bị điện...
Tiền gửi của khách hàng đạt 1.272.350 tỷ đồng, tăng 1,9% YtD (+23.169 tỷ đồng). Tăng trưởng nguồn vốn huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng do thị trường vĩ mô chưa có tín hiệu thuận lợi dẫn đến khách hàng ưu tiên sử dụng vốn tự có cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tổng thu nhập hoạt động quý 1/2023 đạt 17.018 tỷ đồng, tăng 21% YoY (+2.948 tỷ đồng). Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 24,8% YoY (+2.520 tỷ đồng) nhờ việc cải thiện quy mô đi đôi với nâng cao hiệu quả sinh lời từ tái cấu trúc danh mục tín dụng và kiểm soát rủi ro. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tiếp tục tăng trưởng mạnh +49,6% YoY (+389 tỷ đồng) do VietinBank tiếp tục đa dạng hóa cấu trúc các sản phẩm ngoại hối, đẩy mạnh công tác phát triển khách hàng mới, tập trung vào phân phúc FDI, SME và cá nhân.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 56,5% YoY (+723 tỷ đồng) do VietinBank triển khai thúc đẩy bán, khai thác mở rộng cơ sở khách hàng đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng đa dạng, toàn diện các nhu cầu dịch vụ tài chính của khách hàng.
Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận 15 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 233 tỷ đồng. Các hoạt động còn lại đều ghi nhận tăng trưởng âm: lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 50,4% YoY (-28 tỷ đồng); lãi thuần từ hoạt động khác giảm 45,7% YoY (-858 tỷ đồng); thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần giảm 28,3% YoY (-46 tỷ đồng).
Chi phí hoạt động tăng 12,9% YoY (+493 tỷ đồng) nhưng tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR) đã cải thiện từ 27,2% của quý 1/2022 xuống còn 25,3% của quý 1/2023.
VietinBank chủ động dành nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo đúng quy định nhằm gia tăng đệm dự phòng tài chính cho hoạt động của ngân hàng trong thời gian tới, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý 1 tăng 51,9% YoY (+2.297 tỷ đồng), đạt 6.724 tỷ đồng.
Kết thúc quý 1, VietinBank đạt 5.980 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 2,7% YoY (+158 tỷ đồng).
Trong quý 1, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ diễn biến chung của kinh tế thế giới (áp lực lạm phát, thị trường bất động sản trầm lắng, áp lực nợ đến hạn thanh toán trái phiếu, xuất khẩu có xu hướng giảm tốc…). Điều này đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng nợ tại VietinBank.
Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 31/3/2023 ở mức 1,28%, tăng 0,04 điểm phần trăm so với đầu năm. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 6.724 tỷ đồng, tăng 51,9% YoY. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 173%.
VietinBank cho biết, trong những tháng còn lại của năm 2023 sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản trị rủi ro và kiểm soát nợ xấu dưới 1,8%. Đồng thời, VietinBank định hướng tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu, nâng cao năng lực tài chính, khả năng chống chịu trước các rủi ro có thể có từ nền kinh tế.
Đóng cửa 4/5, cổ phiếu CTG của VietinBank đạt 28.250 tỷ đồng, tăng 3,7% so với đầu năm giúp vốn hóa đạt 135.762 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,24% vốn hóa của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Năm 2023, tổng tài sản tăng 5-10%
Năm nay, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tại 31/12/2023 tăng 5-10% so với 31/12/2022.
Dư nợ tín dụng thực hiện theo hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và định hướng chính sách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%.
Nguồn vốn huy động tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các chỉ số an toàn thanh khoản.
Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ theo phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. VietinBank tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hiệu quả kinh doanh, thực hiện tốt vai trò ngân hàng chủ lực, trụ cột và chủ đạo của nền kinh tế.
Cổ tức năm 2023 được thực hiện theo phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và tuân thủ quy định của pháp luật về tỷ lệ chi trả cổ tức và cơ cấu chi trả cổ tức (tiền mặt, cổ phiếu).