Việt Nam thuộc top 5 nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào Walmart toàn cầu

(CL&CS) - Trong thời gian tới, chiến lược của Tập đoàn Walmart là tập trung xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng hàng hóa Khu vực châu Á.

Đại diện Tập đoàn Walmart cho biết, hiện Walmart đã thu mua từ Việt Nam hàng tỷ USD hàng hóa mỗi năm.

Trong khuôn khổ chương trình công tác tại Hoa Kỳ tháp tùng Chủ tịch nước tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2023 tại San Francisco, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tiếp bà Andrea Allbright, Phó Chủ tịch điều hành, phụ trách bộ phận thu mua Tập đoàn Walmart để trao đổi về việc hợp tác phát triển chuỗi cung ứng của Walmart tại Việt Nam cũng như các biện pháp hỗ trợ các nhà cung ứng Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Tập đoàn Walmart.

Bà Andrea Allbright cho biết, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống của Walmart toàn cầu. Hàng Việt Nam không chỉ đã thâm nhập vào hệ thống Walmart tại Hoa Kỳ mà còn tại các thị trường lớn khác như Trung quốc, Canada, Mexico… Trong thời gian tới, chiến lược của Tập đoàn là tập trung xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng hàng hóa Khu vực châu Á.

Hiện Walmart đã thu mua từ Việt Nam hàng tỷ USD hàng hóa mỗi năm, tuy nhiên vẫn đang tập trung phần lớn vào các mặt hàng như dệt may, da giày, thực phẩm… Trong thời gian tới, Walmart sẽ tập trung mở rộng hoạt động thu mua sang các nhóm mặt hàng gia dụng, thiết bị điện-điện tử, đồ chơi các loại…

Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị trong thời gian tới, Walmart cần đồng thời vừa đẩy mạnh thu mua tại Việt Nam vừa tăng cường phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương trong việc đào tạo, nâng cao năng lực doanh nghiệp, phổ biến thông tin thị trường để doanh nghiệp có thể chủ động xây dựng được chiến lược sản xuất và xuất khẩu khi tham gia cung ứng cho hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ toàn cầu.

Việt Nam đang chủ động, tích cực tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, thông qua đó tiến tới chủ động được nguyên liệu, linh kiện đầu vào, nỗ lực đảm bảo chuỗi “cung ứng sạch và ổn định”, tuân thủ tuyệt đối các quy định về phát triển bền vững Việt Nam đã cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do, bao gồm cả việc bảo vệ tự nhiên, môi trường, chống sử dụng lao động cưỡng bức…

TIN LIÊN QUAN