“Việt Nam có nguồn tài nguyên điện gió ngoài khơi rất tuyệt vời. Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành quốc gia đi đầu Đông Nam Á về phát triển điện gió ngoài khơi. Đi đầu sẽ có nhiều lợi thế về thị trường, về vị thế trong chuỗi cung ứng…”.
Đó là phát biểu của ông Mark Hutchinson, Chủ tịch, Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á, Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) tại phiên hội thảo chuyên đề thứ 4 của Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
“Phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi không chỉ giúp Việt Nam chủ động về năng lượng, mà còn tạo thêm hàng trăm nghìn việc làm mới và cân bằng lại cán cân thương mại khi giảm nhập khẩu năng lượng, giảm nhập khẩu than và khí đốt”, ông Mark Hutchinson phát biểu.
Bà Camilla Holbech, Tham tán Năng lượng, Điện gió ngoài khơi, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cũng cho rằng phát triển năng lượng xanh không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, giảm khí thải... mà còn giúp Việt Nam hấp dẫn hơn trước nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều hướng tới việc tăng cường sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch, khai thác tối đa tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo ở nước mình.
Việt Nam cũng thể hiện rõ quan điểm định hướng là ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.
Kỳ vọng ở tương lai phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh của Việt Nam, Camilla Holbech cam kết “chúng tôi sẽ hỗ trợ và đồng hành để Việt Nam trở thành con tầu cao tốc trên con đường cách mạng công nghiệp 4.0”.
Phát biểu tại Hội thảo, TS.Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Để thúc đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH đất nước, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra là phải bảo đảm an ninh quốc gia.
Việt Nam đã quan tâm đến phát triển năng lượng quốc gia và thực hiện chủ trương năng lượng cần phải đi trước một bước để tạo nền tảng hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời xác định phát triển năng lượng là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình CNH, HĐH.
Tuy nhiên, TS.Nguyễn Đức Hiển cho biết các phân tích, đánh giá hiện nay cho thấy, an ninh năng lượng của nước ta chưa thực sự đảm bảo vững chắc, còn phụ thuộc nhiều vào các nguồn năng lượng hoá thạch.
Dự kiến công suất nguồn và tỷ lệ điện từ các nguồn năng lượng tái tạo tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới, đặc biệt trong giai đoạn 2030-2045 với kỳ vọng của các tiến bộ khoa học - kỹ thuật ngày càng phát triển sẽ làm giảm mạnh suất đầu tư và giá thành điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Chi phí điện quy dẫn (LCOE) của các dự án điện năng lượng tái tạo trong thời gian tới có thể thấp hơn các dự án điện sử dụng các dạng năng lượng truyền thống khi tính đủ các chi phí ngoại biên.
Tại hội thảo, các ý kiến đề nghị để phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thì cần phải có cơ chế giá hợp lý, cần khung chính sách đầy đủ, đồng bộ và tiên liệu được.
Trên cơ sở lợi thế so sánh với các nguồn năng lượng truyền thống và nhập khẩu Việt Nam xây dựng chính sách ưu tiên phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch gắn với những cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu; đồng thời tận dụng những cơ hội của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 để phát triển năng lượng nhanh, bền vững…
Đồng thời cần có chính sách và giải pháp phù hợp và cần cả để phát triển các loại hình năng lượng xanh, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối; về khả năng thu hút đầu tư, phát triển các loại hình năng lượng xanh ở Việt Nam. Đơn cử như nên có cơ chế chính sách đặc thù để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn…
Theo TS.Nguyễn Đức Hiển, thực tế cho thấy, trong tiến trình CNH, HĐH đất nước, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò nền tảng. Do đó, việc sớm xây dựng và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng giai đoạn 2021 - 2030 là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Trong đó, cần chú trọng tới công nghệ năng lượng mới, năng lượng xanh và tái tạo, gắn kết chặt chẽ Chương trình này với kế hoạch xây dựng quy định về lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của đất nước và cam kết quốc tế.
Đồng thời cần nghiên cứu, quy hoạch một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế và cơ chế ưu đãi để thúc đẩy phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát huy thế mạnh cạnh tranh để phát triển công nghiệp năng lượng phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phù hợp với những quan điểm định hướng đề ra trong Nghị quyết 55.
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2021 diễn ra từ ngày 9/11 tới ngày 6/12 Với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số”,
Đây là diễn đàn thường niên do Ban Kinh tế trung ương chủ trì với phối hợp chuyên môn bởi các bộ ngành liên quan và Tập đoàn IEC tổ chức.