Việt Nam ghi nhận những thiệt hại kinh tế ban đầu do bão Yagi: Hơn 9.800 nhà hư hại, 130.000ha lúa và hoa màu bị ngập

Theo thống kê sơ bộ ban đầu, bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, nhà cửa và đời sống người dân.

Theo Báo cáo nhanh Công tác phòng, chống thiên tai ngày 8/9, phát ngày 9/9, của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, tính đến 6h sáng 9/9, bão Yagi đã gây thiệt hại lớn về người và của. Trong đó, về nông nghiệp, 113.593ha lúa bị ngập úng, thiệt hại (tập trung Hải Phòng 7.005ha; Thái Bình 18.000ha; Hà Nội 15.563ha; Hưng Yên 12.119ha; Hải Dương 18.500ha; Hà Nam 11.220ha; Lạng Sơn 3.688ha; Bắc Giang 4.822ha; Bắc Ninh 9.601ha; Vĩnh Phúc 6.000ha...).

Nông dân các huyện Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc đã tranh thủ ra đồng gặt lúa nhằm giảm thiểu thiệt hại do có nhiều diện tích lúa ngập úng trước, trong và sau bão số 3. Ảnh: Báo điện tử Pháp Luật TPHCM

22.047ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại (tập trung tại Hải Phòng 1.600ha; Nam Định 2.500ha; Thái Bình 3.345ha; Hà Nội 1.205ha; Bắc Ninh 2.293ha; Hải Dương 2.900ha; Hoà Bình 4.193ha, Lạng Sơn 1.136ha...).

6.887ha cây ăn quả bị hư hại (tăng 1.860ha so với báo cáo ngày 07/9) (tập trung tại Hải Phòng 1.650ha; Thái Bình 1.385ha, Hưng Yên 1.841ha, Hải Dương 900ha, Nghệ An 798ha...).

121.668 cây xanh bị gãy đổ (Hải Phòng 6.059, Hà Nội 24.807, Hưng Yên 9.036, Hải Dương 40.000, Bắc Ninh 31.860...).

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, sau bão có gần 2.000ha lúa tại Thanh Hóa đổ, ngã. Ảnh: Báo điện tử Pháp Luật TPHCM

Trên 1.500 lồng bè (tăng 384 lồng bè so với báo cáo ngày 07/9) nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (tập trung Quảng Ninh 1.000, Hải Dương 300...).

79 con gia súc, 190.131 con gia cầm (tập trung ở Hải Dương 186.000 gia cầm).

Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.

Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 9.851 nhà ở bị hư hỏng; 12 đoạn đường dây 500kV, 36 đường dây 220kV, 161 đường dây 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…

Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.

Chính phủ đã hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương để khắc phục thiệt hại của bão lũ: Sơn La 10 tỷ đồng, Điện Biên 10 tỷ đồng. Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo trước mắt hỗ trợ khoảng 100 tỷ đồng cho mỗi địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng để khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra.

Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp họp khẩn, chỉ đạo khôi phục sản xuất sau bão số 3. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, đánh giá cụ thể thiệt hại và hướng dẫn các địa phương khôi phục sản xuất một cách nhanh nhất. Đặc biệt, khẩn trương chỉ đạo tiêu nước đệm trên hệ thống sông, kênh mương nội đồng, khoanh vùng nơi ngập úng cao để có phương án xử lý nhanh, huy động lực lượng khơi thông dòng chảy... Tiếp đó, cần kiểm tra, rà soát toàn bộ các hồ đập, kênh mương... nhằm bảo đảm luồng tiêu, thoát nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, không để ngập úng xảy ra.

Đối với vùng rau màu bị ảnh hưởng, sau khi nước rút nhanh chóng vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… giúp cây nhanh phục hồi.

Nguồn: Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai

TIN LIÊN QUAN