Năm 2023, 56 dự án từ Việt Nam đã tham gia SBC toàn cầu với sự đồng hành của gần 100 cố vấn về kinh doanh tạo tác động xã hội. Sau 9 tháng tổ chức với 4 vòng thi, ngày 4.10 (tức ngày 3.10 theo giờ địa phương), vòng chung kết cuộc thi SBC đã diễn ra tại Trường Kinh doanh HEC Montréal (Canada).
Trong số 156 đội thi đến từ hơn 20 quốc gia, các tổ chức, dự án, cố vấn và cá nhân đến từ Việt Nam đã giành được nhiều thành tích ấn tượng.
Theo đó, về giải thưởng cho tổ chức, doanh nghiệp, Trường Đại học Ngoại thương được trao Giải thưởng “Impactful Change Agent”. Đây là giải thưởng vinh dự được trao cho tổ chức giáo dục có tác động mạnh mẽ nhất đến hoạt động sáng tạo kinh doanh xã hội trên toàn cầu từ Ngân hàng Scotiabank và Trường Đại học HEC Montreal Canada. 2023 cũng là năm thứ 3 liên tiếp Trường Đại học Ngoại thương đạt giải thưởng này.
Dự án Nam Tural với người sáng lập là Nguyễn Xuân Tài, cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, cùng sự tham gia của 4 sinh viên Trường Đại học Ngoại thương gồm Tạ Quang Anh (lớp Anh 01 - CLC QTKS - K59), Đồng Thị Phương Anh (lớp Anh 01 - Chương trình KDQT định hướng tiên tiến Nhật Bản, VJCC - K59), Bùi Phương Anh (lớp Anh 03 - CLC QTKDQT - K60) và Nguyễn Thuỳ Trang (lớp Anh 03 - CTTT KTĐN - K59) đạt giải Nhất bảng Startup với giá trị giải thưởng 38.500 CAD tiền mặt.
Dự án có sự đồng hành của 2 cố vấn là cô Phạm Thị Mai Khanh, giảng viên trường Đại học Ngoại thương CSII và cô Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Nam Tural là dự án sử dụng rơm - nguồn phế thải nông nghiệp và biến chúng thành nguồn tài nguyên tự nhiên mang lợi ích cho mọi người, từ nông dân đến khách hàng và toàn xã hội.
Ngoài ra, Top 3 chung cuộc bảng Startup còn có sự góp mặt của Forest Foods và Top 3 chung cuộc bảng Doanh nghiệp gọi tên eJOY English đều là những dự án xuất sắc đến từ Việt Nam.
Về giải cá nhân, trong số 10 bạn trẻ được trao giải thưởng “Doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc toàn cầu" trên toàn thế giới, có 3 bạn trẻ Việt Nam. Trong đó, có 1 sinh viên đến từ Trường Đại học Ngoại thương là Trịnh Hải Ngân, sinh viên năm 3 chuyên ngành Tài chính Quốc tế. Hai cái tên còn lại là Phan Kiều Duyên đến từ Đại học Greenwich Việt Nam và Thái Vũ Đức Anh đến từ THPT Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Với hành trình gần 8 tháng vượt qua nhiều vòng thi cùng những yêu cầu đầy thách thức, các thành viên dự án của Việt Nam đã rất nỗ lực để xây dựng và triển khai nhiều ý tưởng, giải pháp kinh doanh nhằm giải quyết các vấn đề thách thức của xã hội.
Việt Nam cũng có sự góp mặt của 3/5 cá nhân cho Giải thưởng dành cho các “Giám khảo có chất lượng đánh giá tốt nhất và có nhận xét tác động đến các dự án”. Đó là thầy Trần Xuân Lĩnh (Trường Đại học Greenwich Việt Nam), cô Trần Nguyên Chất (Trường Đại học Ngoại Thương và ông Trần Anh Tuấn (Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu & Ứng dụng Đổi mới Sáng tạo Doanh nghiệp).
Ngoài ra, giải thưởng “Đại sứ SBC toàn cầu” năm nay cũng được trao cho 1 đại diện Việt Nam là thầy Trần Xuân Lĩnh (Trường Đại học Greenwich Việt Nam)
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có 3 nhà giáo dục, cố vấn đạt Giải thưởng “Cố vấn tạo tác động giáo dục mạnh mẽ toàn cầu” trong 5 người được trao giải trên toàn cầu.