Người con ưu tú của thủ đô Hà Nội
Trung tướng Vương Thừa Vũ (1910-1980) tên thật là Nguyễn Văn Đồi, quê ở Vĩnh Ninh, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội. Quá trình hoạt động cách mạng, ông đã trải qua nhiều khó khăn gian khổ, từng bị thực dân Pháp giam cầm trong tù ngục, chịu sự tra tấn hành hạ dã man nhưng ông vẫn nhất mực kiên trung, vượt qua mọi thử thách, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Với tài năng của mình, ông được cấp trên giao giữ nhiều trọng trách trong quân đội: Năm 1946, Chỉ huy trưởng bộ đội Hà Nội; Khu trưởng Khu 11 (Hà Nội); Chỉ huy quân sự Khu 2 bảo vệ Hà Nội; giai đoạn 1947-1948, Khu phó Khu 4 rồi Phân khu trưởng Phân khu Bình - Trị - Thiên.
Tháng 4/1949, ông được giao nhiệm vụ tổ chức Đại đoàn 308 ở Việt Bắc. Từ năm 1949-1954, ông là Đại đoàn trưởng đầu tiên Đại đoàn 308 kiêm Chính ủy Đại đoàn (1949-1951).
Từ năm 1949-1954, ông đã chỉ huy chiến đấu tham gia nhiều chiến dịch, trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954).
Ngày 28/9/1954, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng và được cử làm Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội cùng Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô. Từ năm 1955-1963, ông là Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn, rồi làm Tư lệnh Quân khu 3.
Từ năm 1964-1980, ông được giao giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Giám đốc Học viện Quân chính, kiêm Tư lệnh Quân khu 4 (1964-1971). Ông được phong quân hàm Trung tướng năm 1974.
Với những công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Trung tướng Vương Thừa Vũ đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh, các Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công cùng nhiều phần thưởng cao quý.
Dù ở cương vị công tác nào, Trung tướng Vương Thừa Vũ luôn giữ vững phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, đúng như nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “…Vương Thừa Vũ là con người trung thực, tính tình nghiêm nghị với tấm lòng nhân hậu, cương trực thẳng thắn nhưng coi trọng đoàn kết… Anh có lối sống cần kiệm giản dị, liêm khiết, mẫu mực, không chạy theo danh lợi, luôn luôn nghĩ đến việc làm có ích cho xã hội, cho quân đội… Và bao trùm lên hết, Vương Thừa Vũ là một người cộng sản có đạo đức cách mạng, một vị tướng Trí - Dũng - Nhân - Tín - Liêm - Trung như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy…”
Người chỉ huy "Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa"
Đối với thủ đô Hà Nội, tên tuổi của Trung tướng Vương Thừa Vũ gắn liền với chiến công vẻ vang trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Hà Nội, khởi đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai ngày 19/12/1946.
60 ngày đêm chiến đấu trong lòng Hà Nội là bản hùng ca mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô quả cảm đã lao vào cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội thân yêu với lực lượng, vũ khí và trang bị rất chênh lệch so với kẻ thù.
Giữ trọng trách là Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội, với thế trận “trong đánh, ngoài vây” (trùng độc chiến) do ông đề xướng và nhiều cách đánh thiên biến vạn hóa của chiến tranh nhân dân, Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ cùng quân dân Thủ đô đã lập nên kỳ tích: Bằng một lực lượng vũ trang non trẻ nhưng chiến đấu thắng lợi, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giam chân đội quân chính quy nhà nghề với khoảng 6.500 binh sĩ của Pháp trong thành phố suốt 60 ngày đêm (gấp đôi thời gian quy định), tạo điều kiện cho ta có thời gian chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới.
Đặc biệt là việc sau đó, đồng chí Vương Thừa Vũ cùng với các cộng sự đã chỉ huy thành công cuộc rút lui thần kỳ của Trung đoàn Thủ đô, thực hiện xuất sắc chủ trương diệt địch đi đôi với giữ gìn lực lượng ta để kháng chiến lâu dài.
Sau mặt trận Hà Nội, đồng chí Vương Thừa Vũ được cử vào Liên khu 4 với cương vị Khu phó. Đến năm 1949, Đại đoàn 308 - Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập, ông đã được tin tưởng giao nhiệm vụ là Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên của Đại đoàn.
Ngày ấy, nhiệm vụ mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao cho Đại đoàn 308 là “đi tiên phong trên con đường vận động chiến”. Từ đó, Đại đoàn được mang danh hiệu Quân Tiên Phong.
Nhiệm vụ đã nặng nề càng thêm khó khăn do bấy giờ, thành phần hợp thành Đại đoàn gồm các đơn vị tuy đã dạn dày lửa đạn nhưng trình độ tác chiến mới ở quy mô Tiểu đoàn tập trung. Chỉ có Trung đoàn Thủ đô (Trung đoàn 102) là đã tác chiến ở quy mô Trung đoàn trong trận Phố Lu (Lào Cai) tháng 1/1950. Thế nhưng với tài năng và bản lĩnh của một người cầm quân dày dặn kinh nghiệm, đồng chí Vương Thừa Vũ đã cùng tập thể Ban chỉ huy Đại đoàn hoàn thành nhiệm vụ.
Tháng 8/1954, Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên Phong được giao nhiệm vụ trở về tiếp quản Thủ đô. Sau những chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt cho "trận chiến đấu đặc biệt", 5 giờ sáng ngày 10/10/1954, dưới sự chỉ huy của Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ, Đại đoàn 308 tiến vào Hà Nội thực hiện nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô.
Buổi chiều hôm đó, tại sân Cột Cờ Hà Nội, đồng chí Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng đứng chủ lễ chào cờ. Cùng với Đại đoàn 308, họ đã vinh dự thay mặt cho quân và dân cả nước chào lá cờ chiến thắng của Tổ quốc bay trên đỉnh cột cờ của Thủ đô trong ngày đầu giải phóng.
Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân Ngày Giải phóng.
"Thư Bác đọc vừa chấm dứt thì tiếng hô 'Hồ Chủ tịch muôn năm' lại đồng thanh vang động trong sân vận động, qua loa truyền thanh truyền lan qua các đường phố, mang lại trong lòng mỗi người dân Thủ đô một luồng gió mới, một không khí mới, thanh thản, vui tươi, tin tưởng, ấm áp tình người để ngày mai bắt tay vào xây dựng lại Thủ đô to đẹp, xứng đáng là vị trí trung tâm chính trị và văn hóa của cả nước", Chủ tịch Ủy ban Quân chính của Thủ đô giải phóng Vương Thừa Vũ nhớ lại.
Và, "làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh"- lời Bác dạy đã trở thành mệnh lệnh cho hành trình tiếp bước của Thủ đô với những người lãnh đạo cũng là những người con toàn tâm toàn ý vì Thủ đô yêu dấu, như tướng Vương Thừa Vũ, như bác sĩ Trần Duy Hưng...