Vi phạm bản quyền video trực tuyến thất thoát 348 triệu USD

(CL&CS) - Ngành công nghiệp video trực tuyến của Việt Nam được dự báo là sẽ tạo ra doanh thu 249 triệu USD năm 2022. Tình trạng vi phạm bản quyền video trực tuyến đang ngày càng phổ biến, số tiền thất thoát 348 triệu USD.

Ngày 21/7, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH và TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Liên minh giải trí và sáng tạo (ACE), Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ tổ chức hội thảo "Vi phạm bản quyền trực tuyến và các biện pháp ngăn chặn tại Việt Nam".

Nội dung vi phạm được sử dụng trái phép tại nhiều nền tảng như các website nước ngoài khó sử lý.

Tình trạng vi phạm bản quyền video trực tuyến đang ngày càng phổ biến, số lượng người dùng trái phép tăng lên 15,5 triệu năm 2022, làm thất thoát 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu của toàn ngành video hợp pháp. Do đó, nếu không kiểm soát được tình hình, đến năm 2027, số người dùng vi phạm bản quyền có thể tăng tới 19,5 triệu, dẫn tới lượng doanh thu bị thất thoát ở mức 456 triệu USD. Số liệu trên được Media Partners Asia tổng hợp còn cho biết, ngành công nghiệp video trực tuyến của Việt Nam được dự báo là sẽ tạo ra doanh thu 249 triệu USD năm 2022, trong đó doanh thu từ lượng thuê bao chiếm 15% và video theo yêu cầu (AVOD) chiếm 85%.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Bản quyền nội dung số Việt Nam đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng chặn truy cập của người dùng tại Việt Nam trên 500 website vi phạm bản quyền.  Trên nền tảng video trực tuyến sử dụng nội dung được cho là vi phạm bản quyền sử dụng trên nền tảng app và website như: Facebook, YouTube, TikTok, Gapo, TalkTV, Instagram, các nhà cung cấp nội dung trên mạng di động.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số Việt Nam cho biết, các hành vi vi phạm bản quyền phổ biến hiện nay như livestream, phát trực tiếp trên các mạng xã hội hoặc website; copy nguyên trạng các nội dung đã phát hoặc cắt ghép, chỉnh sửa các video, sau đó đăng tải trái phép lên Internet.

Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử thông tin: thời gian qua đã nhận được rất nhiều yêu cầu xử lý vi phạm bản quyền nội dung, đa số là các nội dung về giải trí như bóng đá, phim, game show... Các hình thức, phương pháp vi phạm bản quyền hết sức tinh vi và biến đổi liên tục, luôn che giấu thông tin chi tiết và thực hiện xuyên biên giới từ nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.

 

TIN LIÊN QUAN