VHG ghi nhận thua lỗ năm thứ 6 liên tiếp

(CL&CS) - CTCP Đầu tư và Phát triển Việt Trung Nam (VHG) công bố lỗ 33 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2021. Với kết quả này, VHG có năm thứ 6 liên tiếp ghi nhận thua lỗ.

Hiện nay, VHG là một trong những công ty có số lượng cán bộ nhân viên ít nhất trên sàn chứng khoán. Tại thời điểm 31/12/2020, công ty chỉ có 2 nhân viên. (Ảnh: VHG)

VHG vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2021. Theo đó, công ty không ghi nhận doanh thu trong quý 2 và ghi nhận thua lỗ -32 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, công ty không ghi nhận doanh thu và thua lỗ -33 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến 30/6/2021 là -1.343 tỷ đồng.

Khoản lỗ đến chủ yếu từ chi phí hoạt động tài chính, cụ thể là dự phòng giảm giá các khoản đầu tư trị giá 33 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2021, công ty có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 183 tỷ đồng, tương đương giá trị sổ sách 1.220 đồng/cổ phiếu.

Tổng tài sản chỉ còn 197 tỷ đồng, chủ yếu là khoản đầu tư 147 tỷ đồng vào công ty con và 49 tỷ đồng phải thu khách hàng. Đây đều là những tài sản kém chất lượng.

CTCP Đầu tư và Phát triển Việt Trung Nam là tên mới của CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam được thay đổi vào tháng 4 vừa qua. Trước đây, doanh nghiệp này từng có tên là CTCP Đầu tư và Sản xuất Việt - Hàn chuyên sản xuất sản phẩm cáp đồng với sự tham gia của những quỹ đầu tư có tên tuổi trên thị trường chứng khoán Việt Nam là Indochina Capital và Vina Capital.

Công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE từ năm 2008 với mã chứng khoán VHG. Sau khi lên sàn, công ty thay đổi chiến lược phát triển với thứ tự ưu tiên là: bất động sản, hạ tầng công nghiệp dịch vụ - trồng và chế biến cao su - sản xuất vật liệu xây dựng cơ bản - đầu tư khai thác chế biến kim loại màu.

Giai đoạn 2014 - 2015, công ty có 2 lần phát hành cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông, tỷ lệ 1:1. Sau 2 lần phát hành, vốn điều lệ của VHG tăng từ 375 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động tỷ lệ nghịch với quy mô khi công ty liên tục thua lỗ.

Năm 2016, công ty ghi nhận doanh thu 1.164 tỷ đồng, tăng 76,5% so với năm trước đó nhưng ghi nhận lỗ -33 tỷ đồng. Năm 2017 - 2019, doanh thu chỉ vài tỷ đồng nhưng thua lỗ lớn, lần lượt -1.179 tỷ đồng (năm 2017), -260 tỷ đồng (năm 2018), -11 tỷ đồng (năm 2019). Năm 2020 - 2021, công ty không ghi nhận doanh thu và thua lỗ lần lượt -70 tỷ đồng (năm 2020), -33 tỷ đồng (6 tháng đầu năm 2021).

Nguyên nhân công ty thua lỗ đến từ việc sau khi huy động 1.125 tỷ đồng từ cổ đông, VHG đã đầu tư vào các công ty liên kết như: CTCP Phát triển bất động sản Tây Hồ (729 tỷ đồng), CTCP Granite Phú Yên (202 tỷ đồng), Công ty TNHH Thống Nhất… nhưng ngay sau đó các khoản đầu tư này “biến mất”. Theo các chuyên gia tài chính, đây là khoản “rút ruột” công ty một cách hợp pháp của ban lãnh đạo thông qua các công ty sân sau.

Hiện nay, cổ phiếu VHG đã giảm 95% kể từ khi lên sàn chứng khoán. Trong cơn sốt “chứng khoán” vừa qua, cổ phiếu VHG đã có cú vượt “vũ môn” khi tăng giá 1.150% kể từ đáy 360 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, việc “lướt sóng” VHG trong giai đoạn sắp tới có thể khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ khi công ty không có doanh thu và tài sản kém chất lượng.

TIN LIÊN QUAN