Cao nguyên đá Đồng Văn với diện tích 2.356 km2, trải rộng qua bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Nằm ở độ cao trung bình khoảng 1.400 - 1.600m so với mặt nước biển, địa hình bị chia cắt mạnh có nhiều núi cao hiểm trở. Đây cũng chính là vị trí được lựa chọn để đặt Cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc của Tổ quốc.
Năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Cao nguyên đá Đồng Văn có đặc điểm nổi bật, với những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu và hẹp, những vách núi dựng đứng cao vút, các chóp núi như những kim tự tháp, các trũng sâu hun hút, hang động và các vườn đá tạo nên vẻ đẹp lạ thường, có giá trị to lớn không chỉ về du lịch mà còn có giá trị rất lớn về khoa học và giáo dục.
Theo các nhà khoa học, cao nguyên đá Ðồng Văn có gần 140 điểm di sản, chia thành nhiều nhóm cảnh quan địa mạo; hóa thạch, cổ sinh - địa tầng, hang động đá vôi. Ðồng thời là vùng có hệ địa - sinh thái núi đá độc đáo, trong đó đáng kể là quần thể rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn, bao gồm nhiều loại gỗ, lâm sản và cây thuốc quý như nghiến, thông đá, dẻ, lê, mận, táo, đương quy, thảo quả, đỗ trọng... Nơi đây cũng là môi trường sống của hàng chục loài động vật quý hiếm (voọc, hoẵng, sơn dương, cầy hương, nhím...).
Đặc biệt, khi đến tham quan cao nguyên đá Đồng Văn, du khách còn có dịp ghé thăm nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng khác của tỉnh Hà Giang. Du khách sẽ được đổ đèo, leo dốc trên cung đường uốn lượn và chiêm ngưỡng khung cảnh hùng vĩ của đèo Mã Pì Lèng - một trong "tứ đại đỉnh đèo" của Việt Nam. Nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, con đèo dài 20km này choáng ngợp tầm nhìn với những vách núi sừng sững, vực sâu hun hút và dòng sông Nho Quế vắt ngang.
Bên cạnh đèo Mã Pì Lèng, du khách còn có dịp trải nghiệm con đường bộ cheo leo trên vách núi được gọi là Vách đá trắng. Dài gần 4km ở độ cao 1.700m, con đường men theo vách núi với những hình thù, vân đá độc đáo, mang đến cho du khách cảm giác như lạc bước vào một thế giới hoàn toàn khác. Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn dòng Nho Quế và khung cảnh núi non hùng vĩ, cảm nhận được sự bao la, rộng lớn của thiên nhiên Tây Bắc.
Cùng với những giá trị về địa chất, địa mạo, cảnh quan, cao nguyên đá Ðồng Văn còn chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống của 17 dân tộc anh em. Tại đây, nhiều bản làng còn giữ nét hoang sơ như Lô Lô Chải, Nặm Đăm, Lao Xa, Thiên Hương.
Quá trình phát triển và gắn bó lâu dài của cư dân các dân tộc trên vùng cao nguyên đá đã để lại những dấu ấn văn hóa đậm nét tạo nên sự đặc sắc và phong phú. Trải qua những thăng trầm, biến cố của lịch sử và sự phát triển về mọi mặt của xã hội, đồng bào các dân tộc vùng Cao nguyên đá vẫn luôn giữ gìn được giá trị bản sắc riêng với nhiều nét đặc trưng và quyến rũ.
Từ một miền đá khó khăn chập trùng, ít được biết đến, Cao nguyên đá Đồng Văn giờ đây đã khởi sắc, phát triển, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong nước và quốc tế. Các điểm di sản, giá trị văn hóa được xây dựng trở thành các sản phẩm, điểm du lịch đa dạng, độc đáo, điển hình như: Cột cờ Lũng Cú, di tích Nhà Vương, phố Cổ Đồng Văn, hẻm Tu Sản, đèo Mã Pì Lèng; Lễ hội khèn Mông, Chợ phong lưu Khâu Vai; các Làng văn hóa dân tộc Nặm Đăm, Pả Vi, Lô Lô Chải; Khu nghỉ dưỡng Làng Mông - Quản Bạ, Papiu - Bắc Mê... và nhiều sản phẩm ẩm thực, nông sản tự nhiên, đặc trưng, hấp dẫn.