Trong công văn 45 do VASEP gửi đến Bộ Tư pháp vào cuối tháng 04/2021 có đề xuất nội dung dự kiến rà soát, nhận diện đầy đủ các tồn tại hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ dài hạn của đại dịch.
Trong đó, VASEP kiến nghị Bộ Tư pháp báo cáo và đề nghị Chính phủ có ý kiến với HĐND và UBND TP.HCM xem xét không áp dụng thu phí công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển theo Nghị quyết 10/2020, ít nhất là cho đến hết năm nay.
Các doanh nghiệp thủy sản trong VASEP cho rằng, việc thu thêm phí này có nhiều điểm không hợp lý, tạo nên tình trạng “phí chồng phí”. Theo báo cáo của các đơn vị đề xuất, xây dựng đề án thu phí hạ tầng cảng biển của TP.HCM, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển nhằm phục vụ bảo trì và mở rộng đường bộ, xây dựng cầu, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông…
Nếu gánh thêm khoản phí sử dụng cơ sở hạ tầng cảng biển của TP.HCM, một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình ở ngoài TP.HCM sẽ phải chi trả thêm khoảng 5,5 tỷ đồng/năm (Ảnh minh họa)
Từ trước đến nay, các doanh nghiệp đã phải nộp nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng như: phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ, phí BOT,... Chỉ tính riêng BOT, doanh nghiệp đã gánh thêm một khoản lớn tiền phí vận chuyển khi đi qua các trạm BOT..
Chẳng hạn như hiện tại từ Khánh Hòa vào cảng Cát Lái (TP.HCM) có tới 7 trạm thu phí BOT, mỗi container hàng phải đóng tiền qua trạm hai lượt đi và về. Với mức đóng phí qua một trạm là là 360.000 đồng, tổng phí cầu đường mỗi container hàng phải trả lên tới 2,5 triệu đồng. Như vậy, trung bình mỗi năm một doanh nghiệp thủy sản ở Khánh Hòa xuất khẩu 3.000 container phải đóng 7,5 tỷ đồng phí trạm BOT.
Nếu gánh thêm khoản phí sử dụng cơ sở hạ tầng cảng biển của TP.HCM, một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình ở ngoài TP.HCM sẽ phải chi trả thêm khoảng 5,5 tỷ đồng/năm.
Chưa kể, hầu hết tất cả các doanh nghiệp thủy sản nói riêng, các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung đều có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, gia công hàng và tái xuất thành phẩm. Như vậy, mỗi sản phẩm hoàn chỉnh sẽ phải chịu hai lần phí, một lần cho container hàng nhập khẩu và một lần cho container hàng xuất khẩu.
Do đó, việc thu thêm các loại phí mới sẽ gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp trong khi đang phải vật lộn với nhiều khó khăn khác như: giá cước vận chuyển tăng đột biến, sức tiêu thụ giảm sút do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp thủy sản cũng kiến nghị TP.HCM cần công khai, minh bạch cụ thể các khoản thu chi, chi như thế nào, vào những công trình cụ thể nào cũng như không sử dụng ngân sách thu từ khoản này vào các hoạt động, công trình không phục vụ hoạt động vận chuyển, xuất nhập khẩu tại các cảng biển.
Theo VASEP, hiện nay hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu của cả nước đều tập trung tại các cảng biển của TP.HCM. Trong khi đó, các chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của các doanh nghiệp thủy sản nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung.
VASEP cũng cho rằng điều này làm gia tăng gánh nặng hành chính, gây ách tắc và trở thành gánh nặng không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả người điều hành. Do đó, hiệp hội đề nghị TP.HCM nên hoãn việc thu phí trên.