Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố thuế quan đối ứng với hầu hết các đối tác kinh tế, nhưng một tuần sau đó, ông đã thông báo tạm hoãn các mức thuế này trong 90 ngày với nhiều quốc gia (ngoại trừ Trung Quốc), trong đó có Việt Nam.
Thông tin này đã tạo hiệu ứng tích cực lên thị trường xuất khẩu. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), có thể coi đây là “thời gian vàng” để cả Việt Nam và Mỹ tiếp tục đàm phán, hướng tới khả năng kéo dài thời hạn, hoặc lý tưởng hơn là loại bỏ hoàn toàn thuế đối ứng, tức giảm về 0%.
Cũng theo VASEP, Việc hoãn áp thuế 90 ngày cũng tạo cơ hội đẩy nhanh xuất khẩu các đơn hàng đang bị đình trệ trước hạn áp thuế 9/4, tránh rủi ro hàng hóa tồn kho kéo dài.
Thời điểm này cũng là lúc để các doanh nghiệp tái cấu trúc chiến lược, tìm kiếm thị trường và đối tác thay thế, nhằm xây dựng một hệ thống đủ sức chống chịu trong kịch bản chiến tranh thương mại kéo dài.
VASEP cũng cho rằng, việc Tổng thống Donald Trump tạm hoãn thuế đối với Việt Nam mặc dù tạo ra nhiều cơ hội cho toàn ngành, tuy nhiên doanh nghiệp cần tỉnh táo trước những rủi ro vẫn đang hiện hữu.
Thuế này mới chỉ được hoãn – chưa bị gỡ bỏ hoàn toàn, điều này có nghĩa rằng không có gì đảm bảo chắc chắn trong tương lai, Mỹ sẽ gỡ bỏ hoặc ít nhất giảm thuế đối với Việt Nam. Thậm chí, tuyên bố tăng thuế với hàng Trung Quốc lên tới 125% của Mỹ vẫn có hiệu lực ngay lập tức.
Chính sách thương mại dưới thời ông Trump luôn tiềm ẩn yếu tố bất ngờ, có thể đảo chiều chỉ trong một đêm và tạo ra những cú sốc lớn cho thị trường. Thị trường xuất khẩu cá tra không phải là ngoại lệ.
Tác động của chiến tranh thương mại là dài hạn, đặc biệt là đối với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Người đứng đầu Nhà trắng sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí nguyên vật liệu, dòng vốn, lạm phát và chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và ngành xuất khẩu cá tra.
Với Việt Nam nền kinh tế có độ mở cao và còn phụ thuộc lớn vào thương mại quốc tế mọi biến động về thuế quan từ Mỹ đều có thể gây ra hiệu ứng domino, tác động tiêu cực đến thị trường, trong đó có xuất khẩu thủy sản và cá tra.
Trước những khó khăn trên, VASEP cũng khẳng định: Ngay lúc này doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam nên tập trung đẩy nhanh các lô hàng còn đang trong quá trình trung chuyển, vận chuyển đến quốc gia tiêu thụ đích, ít nhất là trong 90 ngày tới để hạn chế tối đa rủi ro bị áp thuế cao. Đồng thời, tích cực chủ động chuẩn bị phương án để tìm kiếm, mở rộng, thay thế thị trường Mỹ bằng các thị trường khác như ASEAN, Trung Đông,...
Tuy nhiên, VASEP cũng cho rằng: Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện của Mỹ, là nhà cung cấp cá tra lớn nhất cho thị trường này, người tiêu dùng tại Mỹ đã phần nào quen với hương vị của loài cá thịt trắng đến từ Việt Nam.
“Trong khi đó, Trung Quốc là nguồn cung cá rô phi - một loài cá thịt trắng có nhiều điểm tương đồng với cá tra Việt Nam, lớn nhất thế giới và lớn nhất cho Mỹ, nhưng đang phải chịu mức thuế kỷ lục. Vậy, sẽ là một cơ hội cho cá tra Việt Nam nếu như cá rô phi Trung Quốc vào Mỹ quá đắt đỏ và nếu như Việt Nam và Mỹ đạt được thỏa thuận về thuế” – VASEP nhấn mạnh.