Văn Phú - Invest (VPI) quyết ‘ôm’ hàng tồn kho, đón sóng bất động sản phục hồi

Kết năm 2023, Văn Phú - Invest (VPI) chỉ hoàn thành được 85% chỉ tiêu doanh thu và 84% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế. Song lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp còn khá lớn và hứa hẹn sẽ 'bung' trong thời gian tới.

Năm 2023, Văn Phú – Invest làm ăn ra sao?

Trong báo cáo tài chính quý IV/2023 của CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest (VPI), doanh nghiệp đã đạt doanh thu hơn 134 tỷ đồng, lãi ròng gần 25 tỷ đồng, giảm hơn 81% so với quý IV/2022.

Kết quả kinh doanh của Văn Phú – Invest giai đoạn 2019-2023

Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, do quý IV/2022 là giai đoạn bàn giao chính của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu biệt thự Hùng Sơn, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Hơn nữa, quý IV/2023 là giai đoạn VPI và các công ty con tập trung phát triển các dự án bất động sản tiềm năng nên doanh thu bán hàng ghi nhận trong quý giảm, dẫn tới lợi nhuận sau thuế giảm mạnh.

Lũy kế cả năm, VPI ghi nhận doanh thu đạt 1.876 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 463 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 6% so với năm 2022.

Tổng tài sản của Văn Phú – Invest tính đến cuối năm 2023 có giá trị 12.532 tỷ đồng, tăng hơn 1.437 tỷ đồng, chủ yếu đến từ chênh lệch hàng tồn kho. Cụ thể, giá trị hàng tồn kho của VPI vào cuối năm hơn 3.701 tỷ đồng, tăng hơn 92% so với đầu năm, bao gồm khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 13 tỷ đồng.

Văn Phú – Invest đặt mục tiêu doanh thu 2.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 550 tỷ đồng năm 2023. Như vậy, với kết quả đạt được, doanh nghiệp chỉ thực hiện được hơn 85% kế hoạch doanh thu và hơn 84% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Văn Phú – Invest quyết “ôm cây đợi thỏ” chờ ngày mở bán hàng tồn kho

Hàng tồn kho của doanh nghiệp là hàng hóa sẵn sàng bán và hoàn thiện pháp lý để bán sẽ giúp bản thân doanh nghiệp sở hữu nhiều ưu thế cạnh tranh khi thị trường bất động sản có xu hướng phục hồi.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, VPI ghi nhận chi phí kinh doanh dở dang trong khoản mục hàng tồn kho có giá trị 3.596 tỷ đồng, cao hơn 92,2% so với thời điểm cuối năm 2022.

Hàng tồn kho của Văn Phú - Invest tập trung vào các dự án The Terra Bắc Giang – thực hiện mở bán từ 2023, dự án Vlasta Thủy Nguyên – Hải Phòng dự kiến mở bán quý IV/2024, dự án Vlasta Quảng Bình – Quảng Bình dự kiến mở bán 2025 và mang lại cho doanh nghiệp mức doanh thu khoảng 7000 tỷ đồng giai đoạn 2024-2025.

Ảnh minh họa

Bên cạnh tồn kho các sản phẩm bất động sản, Văn Phú – Invest hiện đang triển khai đầu tư dự án BT Phạm Văn Đồng – Gò Dưa, thể hiện ở giá trị tài sản dở dang khoảng 2.960 tỷ đồng tính tới thời điểm 31/12/2023 - gần như không thay đổi so với thời điểm 30/06/2023 và cuối năm 2022.

Đây là dự án BT được Văn Phú - Invest và các đối tác ký với UBND TP. HCM, dự án đang tích triển khai các thủ tục pháp lý để hoàn thiện thi công tuyến đường vành đai 3 song song với việc giao 4 khu đất đối ứng cho doanh nghiệp.

Theo thông tin trên website doanh nghiệp, Văn Phú - Invest, tiền thân là chi nhánh tại Hà Nội của Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Quảng Ninh do Nhà nước làm chủ sở hữu, hoạt động độc lập trong các lĩnh vực tư vấn đầu tư, kinh doanh, xây dựng và phát triển bất động sản. Năm 2008, Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Quảng Ninh cổ phần hóa, chuyển thành CTCP và đổi tên thành CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest.

Văn Phú - Invest hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư, phát triển các dự án, quản lý và kinh doanh bất động sản, tư vấn đầu tư, thiết kế, thi công, giám sát các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông và thủy lợi, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, sản xuất và kinh doanh đồ gỗ, nội thất công trình.