Văn hóa bản địa – nền tảng giúp Hà Nội đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng

(CL&CS) - Với lợi thế sẵn có, Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam cho rằng Hà Nội cần tập trung vào bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tập trung khai thác và phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống… nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của du lịch cộng đồng.

Du lịch được biết đến là ngành công nghiệp không khói, tạo ra nhiều giá trị về mọi mặt. Theo số liệu thống kê từ Sở Du lịch Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) ước đạt 3,042 triệu lượt, tăng 36,9% (cùng kỳ tăng 46,5%).

Trong số lượng khách du lịch đến Hà Nội, khách quốc tế đạt 2,150 triệu lượt, tăng 48,4%; khách nội địa đạt 892 nghìn lượt, tăng 15,4%.

Hà Nội không chỉ có nền văn hóa đa dạng mà còn có nhiều làng nghề truyền thống.

Hội tụ nhiều lợi thế lớn

Hiện nay, xu hướng du lịch cộng đồng ở Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến và thu hút được sự quan tâm từ người dân, cũng như du khách. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, xu hướng trải nghiệm của du khách cũng có sự thay đổi, hướng tới những chương trình du lịch sinh thái, tới bản làng, trải nghiệm văn hóa địa phương…

Theo ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI), Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC), với 54 dân tộc, Việt Nam là quốc gia đa sắc màu văn hóa, nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa…

“Hà Nội là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng khi có lợi thế lớn cả về nền văn hóa đa dạng, giá trị truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số, có giá trị thiên nhiên hấp dẫn từ phố thị, đồng bằng đến vùng núi, lịch sử phong phú và cộng đồng dân cư thân thiện, nhiệt huyết”, ông Quỳnh chia sẻ.

Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền (Ba Vì, Hà Nội).

Có thể thấy, hiện nay ngành du lịch Thủ đô đang không ngừng phát triển, không những đẩy mạnh du lịch khu vực nội đô, mà còn từng bước khai thác tiềm năng du lịch ngoại thành. Điều này vừa giúp đa dạng sản phẩm du lịch, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã hội địa phương, vừa gia tăng trải nghiệm của khách du lịch…

Điển hình như bản Miền (Ba Vì) là một mô hình được Hà Nội xây dựng thí điểm cho đồng bào dân tộc Dao Quần chẹt. Theo chia sẻ của ông Quỳnh, ở đây có hơn 270 hộ làm nghề thuốc nam; đến với điểm du lịch cộng đồng này, du khách được trải nghiệm trọn vẹn hình thức chăm sóc sức khỏe từ thảo dược (chăm sóc da mặt, ngâm chân, tắm lá thuốc…), được tư vấn sử dụng thảo dược trong cuộc sống…

Ở huyện Đan Phượng cũng đang định hướng phát triển sâu cho khu vực xã Hạ Mỗ, khi căn cứ vào giá trị đền Văn Hiến - nơi thờ Thái úy Tô Hiến Thành, để xây dựng sản phẩm gắn liền với văn hóa, lịch sử và giáo dục.

Ngoài ra, theo ông Quỳnh, xã An Phú (huyện Mỹ Đức) đang căn cứ vào giá trị văn hóa của đồng bào người Mường là điểm nhấn, từ đó đưa cộng đồng vào phát triển du lịch nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa, phát huy giá trị tiềm năng của địa phương, định hướng xây dựng các mô hình tạo sức hút riêng biệt.

Tập trung khai thác giá trị văn hóa bản địa

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), du lịch cộng đồng là một hình thức du lịch hướng đến trao quyền cho cộng đồng quản lý, phát triển du lịch, hướng đến phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường…

Ông Phạm Hải Quỳnh (Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam).

Để du lịch cộng đồng ở Hà Nội được lớn mạnh và nhân rộng, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho rằng Hà Nội cần tập trung vào bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tập trung vào khai thác và phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống; thúc đẩy sự hợp tác, giao lưu văn hóa giữa cộng đồng và du khách, cải thiện hạ tầng du lịch, dịch vụ ở các khu vực cộng đồng.

“Đặc biệt, cần căn cứ vào những giá trị hiện có để xây dựng cộng đồng, xây dựng sản phẩm, nâng cao giá trị điểm đến trước khi có kế hoạch đầu tư lớn”, ông Quỳnh nói rõ.

Để phát huy tiềm năng khai thác du lịch cộng đồng một cách hiệu quả, chuyên sâu, ông Quỳnh cho biết Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững, tạo cơ hội cho người dân tham gia và hưởng lợi từ du lịch.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cũng chỉ ra rằng các địa phương cần tăng cường giáo dục và nâng cao ý thức của cộng đồng về việc bảo tồn và phát triển du lịch bền vững dựa trên giá trị văn hóa bản địa, sinh kế bản địa.

TIN LIÊN QUAN