Vẫn còn phân biệt đối xử, vẫn còn những chính sách khiến doanh nghiệp ngại lớn

(CL&CS) - Vẫn còn những cơ chế, chính sách làm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh “ngại” lớn. Chính sách hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả hoặc chậm thực hiện, doanh nghiệp khó tiếp cận. Môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, tình trạng phân biệt đối xử vẫn diễn ra.

Trong khuôn khổ Chương trình Ôxtrâylia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), ngày 19/10/2021, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo“Nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Báo cáo cho biết, trong 35 năm đổi mới, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam ngày càng rõ. Tư duy về kinh tế tư nhân cũng có nhiều thay đổi. Nhất là việc thừa nhận và khẳng định vai trò, vị thế của khu vực kinh tế tư nhân và đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Phó Viện trưởng CIEM – ông Nguyễn Hoa Cương chủ trì Hội thảo

Sự đồng bộ về mặt thể chế, chính sách đã khiến số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập mới tăng mạnh.

Chỉ tính trong 5 năm 2015 - 2020, có hơn 735.000 doanh nghiệp thành lập mới, trung bình 122.500 doanh nghiệp thành lập mới/năm.

Ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, số doanh nghiệp thành lập mới vẫn ở mức cao, với 85.483 doanh nghiệp thành lập mới.

Kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò chủ lực trong nền kinh tế và ngày càng lớn. Số lượng doanh nghiệp khu vực tư nhân trong TOP 10, TOP 50, TOP 100 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam tăng qua các năm.

Trình độ công nghệ, trình độ tổ chức quản lý được cải thiện, nhiều doanh nghiệp đã liên kết, hợp tác với nhau tạo sức mạnh tổng hợp góp phần bảo vệ thương hiệu Việt, thị trường nội địa.

Đã có những doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Đã có những doanh nghiệp, doanh nhân vươn tầm thế giới và khu vực.

Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và luôn đồng hành cùng các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương để thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, thể hiện rõ nét trong giai đoạn đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay.

Trong giai đoạn dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã kịp thời thích ứng, nắm bắt cơ hội để tìm hướng đi mới, ứng dụng các giải pháp công nghệ, cơ cấu lại sản xuất, sản phẩm và đứng vững trong đại dịch Covid-19.

Doanh nghiệp thành lập mới hàng năm và bình quân năm theo giai đoạn

Nhưng, năng lực của khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế.

CIEM cho biết, khu vực kinh tế tư nhân đông về số lượng nhưng chủ yếu quy mô nhỏ, siêu nhỏ, thiếu vắng doanh nghiệp quy mô lớn và vừa. Năng lực cạnh tranh thấp với năng lực nội tại yếu, chậm được cải thiện.

Trình độ công nghệ, trình độ quản trị không cao, khả năng liên kết, hợp tác kinh doanh hạn chế, năng lực tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn yếu. Hiệu quả hoạt động còn thấp và chưa đồng đều.

Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự tương ứng với số lượng, quy mô và chưa phản ánh đúng tiềm năng. Năng lực chống chịu trước “cú sốc” đại dịch Covid-19 còn hạn chế. Tình trạng đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh trở nên phổ biến.

Theo CIEM, năng lực của khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế vì cả nguyên nhân do yếu kém nội tại của khu vực này và còn do cả nguyên nhân từ cơ chế, chính sách của Nhà nước.  

Đặc biệt là vẫn còn những cơ chế, chính sách làm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh “ngại” lớn. Chính sách hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả hoặc chậm thực hiện, doanh nghiệp khó tiếp cận. Báo cáo của CIEM cho biết.

Đồng thời hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, điều hành thiếu nhất quán, đặc biệt ở địa phương trong giai đoạn dịch Covid-19. Môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế, tình trạng phân biệt đối xử vẫn diễn ra.

Chính sách hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả hoặc chậm thực hiện, doanh nghiệp khó tiếp cận.

Để nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, theo CIEM, trước mắt tập trung vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động và kết nối lao động.

Đồng thời với đó là đảm bảo điều kiện để “sống chung” với đại dịch và tháo gỡ những khó khăn về dòng tiền, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận khoản vay mới để khôi phục sản xuất kinh doanh, v.v.

Trong trung và dài hạn, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tận dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

CIEM nhấn mạnh đến các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia sâu vào chuỗi giá trị, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng cường sự kết nối, liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp khu vực tư nhân với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt là cần chú trọng thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và lớn, phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Khuyến khích, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ; nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.. 

Đối với bản thân các chủ thể khu vực kinh tế tư nhân, để tận dụng được cơ hội cũng như khắc phục những hạn chế, cần chú trọng nâng cao chất lượng, quy mô để đảm đủ lớn về quy mô, đáp ứng yêu cầu chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng Việt.

Các doanh nghiệp cần phối hợp với nhau, tập hợp các doanh nghiệp cùng ngành để nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng chia sẻ cơ hội, khó khăn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với những bất định như thiên tai, dịch bệnh, v.v.

TIN LIÊN QUAN