Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý sản xuất lâm nghiệp bền vững

(CL&CS) - Vừa qua, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý sản xuất lâm nghiệp bền vững”. Hội thảo là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Lâm nghiệp.

Tại chương trình, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp đã báo cáo một số đặc thù của hoạt động sản xuất trong ngành lâm nghiệp hiện nay, cũng như xu hướng ứng dụng công nghệ cao trong quản lý sản xuất lâm nghiệp.

PGS.TS. Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Hiện nay, tại Việt Nam hiện nay, ngành lâm nghiệp được giao quản lý 14,8 triệu hecta rừng, trong đó có trên 10 triệu hecta là rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Nếu chia theo cơ cấu 3 loại rừng, có khoảng 2,2 triệu hecta rừng đặc dụng (các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên), khoảng 4,6 triệu hecta rừng phòng hộ và khoảng 7,8 triệu hecta là rừng sản xuất (bao gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng).

Lâm nghiệp là một ngành kinh tế, kỹ thuật, sản xuất theo chuỗi, bao gồm từ khâu giống, trồng rừng, quản lý, bảo vệ, khai thác, chế biến và xuất khẩu lâm sản. Đồng thời, có gần 20 triệu đồng bào Việt Nam sống trong và gần rừng. Do đó, ngành lâm nghiệp có tính đặc thù rất cao.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp nhấn mạnh, vấn đề ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp ngày càng quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự tăng trưởng của ngành. Điều này thể hiện trước hết ở công tác giống, phục vụ nâng cao năng suất, chất lượng giống trồng. Hiện mỗi năm, ngành lâm nghiệp trồng tái canh khoảng 260.000 hecta rừng.

“Dư địa đất để mở rộng quỹ đất sản xuất trồng rừng không còn nhiều. Muốn tăng sản lượng khai thác và cung cấp nguyên liệu chế biến đồ gỗ xuất khẩu, chủ yếu dựa vào việc tăng năng suất rừng trồng cũng như trồng cây gỗ lớn và các loại cây có giá trị kinh tế cao. Một trong những yếu tố quan trọng chính là ứng dụng công nghệ sinh học vào cải thiện giống cây rừng”, ông Bảo cho biết.

Việt Nam khá thành công trong việc cải thiện, nâng cao năng suất các giống cây trồng để phục vụ trồng rừng, đặc biệt hướng tới trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, hiện năng suất bình quân rừng trồng của cả nước chỉ đạt khoảng 15-18 m3/hecta/năm. Con số này so với năng suất khảo nghiệm, thí nghiệm về mô hình và thâm canh (bình quân 30 m3/hecta/năm) còn khá thấp. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo các loài cây thích ứng nhiều điều kiện lập địa và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở các vùng khác nhau để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.

Cũng theo ông Trần Quang Bảo, với trên 14,8 triệu hecta rừng, trải dài khắp cả nước thì công tác theo dõi, quản lý, giám sát tài nguyên rừng đòi hỏi ứng dụng công nghệ cao rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực về công nghệ GIS và viễn thám để cập nhật, truy sử hình ảnh vệ tinh. Từ đó, theo dõi, giám sát rừng một cách tự động, thường xuyên; giảm thiểu công sức cũng như việc tuần tra, theo dõi trên mặt đất. Trong xu thế mới, việc tính toán diện tích rừng liên quan đến hấp thụ CO2 để giảm thiểu tác động của biến đổi của khí hậu cũng là lĩnh vực ưu tiên, cần ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó là công nghệ trong chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Ông Trần Quang Bảo thông tin, ngành lâm nghiệp Việt Nam về tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ đứng thứ 2 trong các nước trên thế giới, với bình quân 16 tỷ USD/năm. Nếu tính cả thị trường nội địa, Việt Nam đứng thứ 5, sau Trung Quốc, Đức, Ba Lan và Ý. Công tác chế biến đồ gỗ có 80% đến từ gỗ rừng trồng trong nước. Tuy nhiên, đặc thù của gỗ trồng trong nước là những loài gỗ nhỏ, cần công nghệ chế biến về biến tính gỗ, uốn, xẻ, những công tác về chế biến sâu để nâng cao giá trị, gia tăng xuất khẩu.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, hiện nay, thế giới đang lo lắng về việc diện tích rừng ngày càng giảm, bình quân độ che phủ rừng toàn cầu khoảng 20%. Khi dân số tăng nhanh, kéo theo yêu cầu phải tăng sản lượng lương thực, thực phẩm thì vấn đề “làm sao tăng sản lượng lương thực mà không phải phá rừng” là trăn trở của rất nhiều quốc gia.

“Hiện chúng ta không còn đất để mở rộng diện tích rừng. Như vậy chỉ còn con đường tăng năng suất, tăng giá trị gia tăng. Chúng ta đã tập trung cao cho hướng tăng năng suất, tăng giá trị gia tăng thông qua chế biến và vẫn có một dư địa bằng cách khai thác các giá trị từ gỗ, từ lâm sản và từ môi trường rừng, đặc biệt là tăng giá trị gia tăng. Tôi nghĩ ngành lâm nghiệp nên đi theo hướng này”, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói.

PGS.TS Phùng Văn Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp nhấn mạnh, Hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý sản xuất lâm nghiệp bền vững” là sự kiện lớn của ngành lâm nghiệp, đặc biệt ý nghĩa trong dịp kỷ niệm Ngày Lâm nghiệp Việt Nam 28.11 và 60 năm thành lập Trường Đại học Lâm nghiệp.

“60 năm là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của nhà trường, đánh dấu quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, phục vụ cho sự phát triển của ngành lâm nghiệp nước nhà. Trải qua 6 thập kỷ, Trường Đại học Lâm nghiệp đã từng bước khẳng định vị thế của mình không chỉ là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn là cơ sở nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong lĩnh vực lâm nghiệp”, PGS.TS Phùng Văn Khoa cho hay.

TIN LIÊN QUAN