Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận năm 2023, Sacombank dẫn đầu ngành ngân hàng với 51,3%

(CL&CS) - Năm 2023, Sacombank ghi nhận 9.595 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 51,3% so với năm 2022, vượt kế hoạch đề ra. Đồng thời, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận của Sacombank trong năm vừa qua dẫn đầu ngành ngân hàng.

Với 9.595 tỷ đồng đạt được trong năm 2023, lợi nhuận trước thuế của Sacombank cao nhất từ trước đến nay.

Đặc biệt, Sacombank đã hoàn tất trích lập 100% dự phòng nợ bán VAMC chưa thu hồi, dự kiến ngân hàng sẽ hoàn thành Đề án tái cơ cấu vào nửa đầu 2024.

Với việc hoàn tất trích lập dự phòng, Sacombank đã giải quyết được một trong những yếu tố chính khiến lợi nhuận của ngân hàng bị sụt giảm trong những năm qua. Điều này sẽ giúp Sacombank cải thiện chất lượng tài sản và nâng cao khả năng sinh lời trong thời gian tới.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2024. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý 4 đạt 2.755 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ trước (YoY). Lũy kế cả năm 2023, ngân hàng thu về 9.595 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 51,3% YoY, vượt kế hoạch đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 giao phó.

Đây là kết quả đáng ghi nhận của Sacombank trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và thị trường tài chính quốc tế trải qua những đợt biến động mạnh.

Tính đến cuối năm 2023, quy mô tổng tài sản của Sacombank đạt 674.390 tỷ đồng, tăng 13,9% so với đầu năm.

Trong năm, Sacombank liên tục kéo khung lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay cao nhất chỉ xấp xỉ quanh mức 5%. Thế nhưng, tiền gửi của khách hàng vào thời điểm cuối năm 2023 đạt 510.744 tỷ đồng, tăng 12,3% so với đầu năm, trong đó tiền gửi không kỳ hạn chiếm tỷ trọng 18,6%.

Sacombank cho biết, ngân hàng đã tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Theo đó, Sacombank đã triển khai 131,5 ngàn tỷ đồng các gói cho vay ưu đãi lãi suất để hỗ trợ khách hàng phát triển sản xuất  kinh doanh và kích thích tăng trưởng tín dụng, trong đó, dành 56.000 tỷ đồng cho vay lãi suất chỉ từ 3% cho hơn 3.000 doanh nghiệp tiếp cận vốn và 75.500 tỷ đồng cho vay lãi suất chỉ từ 6% cho hơn 35.000 khách hàng cá nhân tiếp cận nguồn vốn. Nhờ đó, cho vay khách hàng đạt 482.731 tỷ đồng, tăng 10,05%.

Cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, nợ xấu là vấn đề khó tránh, tuy nhiên, điểm tích cực là Sacombank vẫn kiểm soát tốt và nâng cao chất lượng tài sản, trong đó tài sản có sinh lời chiếm gần 90%. Tổng nợ xấu ở mức 19.984 tỷ đồng, tăng 155,51% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,1%, tăng 1,3 điểm phần trăm so với đầu năm.

Biểu đồ: Tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế của Sacombank giai đoạn 2011-2023 (đvt: tỷ đồng).

Trong năm vừa qua, Sacombank dành nhiều nguồn lực đầu tư vào hoạt động số hóa nhằm nắm bắt các bước tiến của thời đại và cải tiến hệ sản phẩm dịch vụ, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Sacombank ghi nhận doanh số giao dịch qua kênh trực tuyến đạt hơn 6,4 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Với các kết quả trên, Sacombank có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất 9,11%, tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) đạt 82,77%, tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) 3,9%, các chỉ số lợi nhuận ròng trên tổng tài sản (ROA), chỉ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt đạt 1,22% và 18,30%, tăng 0,31 và 4,47 điểm phần trăm so với đầu năm.

Hiện nay, cổ phiếu STB của Sacombank ở mức 29.900 đồng/cổ phiếu giúp vốn hóa đạt 56.368 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, STB tăng 7% còn năm 2023, cổ phiếu này tăng 24,2%.

TIN LIÊN QUAN