Trong vài tuần gần đây, chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do giảm mạnh từ 100 đồng/USD xuống 50 đồng/USD. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ lễ, mức chênh này lại tăng mạnh về mốc 100 đồng/USD.
Cụ thể, tại Hàng Bạc, Hà Trung, những “phố vàng” nổi tiếng của Hà Nội, tỷ giá USD/VND giao dịch phổ biến ở mức 23.570 đồng/USD – 23.670 đồng/USD, giảm 30 đồng/USD ở chiều mua vào nhưng tăng 20 đồng/USD chiều bán ra.
Trong khi đó, trên thị trường tự do, tỷ giá đang “nóng” lên.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết tỷ giá ở mức: 22.970 đồng/USD – 23.150 đồng/USD, tăng 10 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.
Tỷ giá tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) mua bán đồng USD ở mức: 22.970 đồng/USD - 23.150 đồng/USD, tăng 2 đồng/USD. Tỷ giá tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) được niêm yết ở mức: 22.965 đồng/USD - 23.165 đồng/USD, tăng 5 đồng/USD. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) niêm yết giá USD ở mức: 22.980 đồng/USD - 23.140 đồng/USD, tăng 5 đồng/USD.
Một vài đơn vị vẫn chưa điều chỉnh tỷ giá.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID niêm yết giá USD ở mức: 22.960 đồng/USD - 23.160 đồng/USD, không đổi so với cuối ngày hôm qua. Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) niêm yết giá USD mức: 22.970 đồng/USD - 23.130 đồng/USD. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đang giao dịch đồng USD ở mức 22.980 đồng/USD - 23.140 đồng/USD.
Tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ, áp dụng cho ngày 4/5/2021 được niêm yết ở mức 23.174 đồng/USD, tăng mạnh so với trước kỳ nghỉ lễ. Tỷ giá áp dụng cho ngày 4/5 đang đứng ở mức cao: 23.125 đồng/USD - 23.819 đồng/USD.
Chỉ số DXY (USD Index), thước đo giá trị của đồng đô la Mỹ (USD) so với giá trị của một rổ tiền tệ gồm các đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ đang giao dịch ở mức 91,08 điểm, tăng 0,14 điểm, tương đương 0,15%.
Tỷ giá đang “nóng” lên nhưng tình hình được tin là sẽ không căng thẳng khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng đáng kể.
Báo cáo triển vọng kinh tế châu Á 2021 (ADO2021) của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chỉ ra rằng dự trữ ngoại hối Việt Nam đã tăng và ước đạt khoảng 4,2 tháng nhập khẩu vào thời điểm cuối năm 2020.
Ngoài ra, các chuyên gia ADB còn phân tích thêm với việc Việt Nam đã được Mỹ đưa ra khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ hồi giữa tháng 4/2021, Việt Nam sẽ tạm thời thở phào nhẹ nhõm trong chính sách điều hành tỷ giá và tăng mua ngoại tệ cho quỹ dự trữ ngoại quốc gia khi có điều kiện thêm một khoảng thời gian, với sự thận trọng nhất định chuẩn bị cho kỳ đánh giá tiếp theo.
Với triển vọng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt vào Mỹ không lo chênh lệch lớn về thặng dư thương mại song phương hay nguy cơ bị áp thuế cao từ "mác" thao túng tiền tệ trước đây một khi được gỡ bỏ, cũng giúp doanh nghiệp thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu và khai thác tối đa hiệu quả của các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia.
Mới đây, Tổng cục Thống kê cũng đã công bố thông tin tính chung 4 tháng đầu năm 2021, hoạt động xuất, nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước đạt tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Cả nước xuất siêu 1,29 tỷ USD. Đây là nguồn hỗ trợ rất lớn để giúp tỷ giá khó tăng nóng.