Tỷ giá tăng nóng trên cả thị trường tự do và ngân hàng

(CL&CS) - Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm Tân Sửu 2021, tỷ giá trên thị trường tự do vẫn tăng nóng, đạt mức 23.700 đồng/USD, cao hơn nhiều so với trên thị trường ngân hàng.

Các thị trường đã hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết kéo dài. Theo đó, chứng khoán tăng mạnh, vàng giảm sâu. Không nằm ngoài xu hướng, tỷ giá cũng biến động mạnh theo chiều hướng đi lên là chủ yếu.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agirbank) điều chỉnh giá USD đi lên mạnh mẽ. Tỷ giá tại Agribank giao dịch ở mức: 22.900 đồng/USD - 23.090 đồng/USD, tăng 30 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng nâng giá USD. Tỷ giá tại VietinBank trao đổi ở mức: 22.920 đồng/USD - 23.120 đồng/USD, tăng 33 đồng/USD. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) mua bán đồng USD ở mức: 22.930 đồng/USD -  23.110 đồng/USD, tăng 15 đồng/USD.

Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm Tân Sửu 2021, tỷ giá trên thị trường tự do vẫn tăng nóng, đạt mức 23.700 đồng/USD, cao hơn nhiều so với trên thị trường ngân hàng.

Tỷ giá tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giao dịch ở mức: 22.930 đồng/USD - 23.100 đồng/USD, tăng 50 đồng/USD chiều mua vào và tăng 20 đồng/USD chiều bán ra. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có mức giá mua vào rất cao lên đến 22.940 đồng/USD. Giá bán ra tại ACB là 23.110 đồng/USD, tăng 30 đồng/USD.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là hai đơn vị hiếm hoi chưa thay đổi giá USD.

Tỷ giá tại Vietcombank đang được giao dịch ở mức: 22.910 đồng/USD - 23.090 đồng/USD, không đổi so với nhiều phiên trước Tết. Tỷ giá tại BIDV được niêm yết cao hơn một chút chiều bán ra và thấp hơn chiều mua vào, trao đổi ở mức: 22.900 đồng/USD - 23.100 đồng/USD.

Còn trên thị trường tự do, đồng USD tiếp tục đi lên. Tại Hàng Bạc, Hà Trung, những “phố vàng” của Hà Nội, tỷ giá đang được mua bán phổ biến ở mức: 23.600 đồng/USD - 23.700 đồng/USD, tăng 30 đồng/USD chiều mua vào nhưng tăng tới 80 đồng/USD chiều bán ra. Khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra được nới rộng hơn, lên đến 100 đồng/USD.

Tỷ giá trên thị trường tự do “nóng” hơn tại hệ thống ngân hàng nên giá USD tự do cao hơn giá USD ngân hàng khoảng 600 đồng/USD.

Giá USD tăng cao khi xuất khẩu tháng 2 giảm sau khi đã tăng mạnh trong tháng 1. Dữ liệu xuất nhập khẩu ảnh hưởng đến nhu cầu đồng USD từ đó tác động đến tỷ giá.

Lũy kế tháng 1, xuất khẩu của Việt Nam tăng 50.5% so với cùng kỳ 2019 trong khi nhập khẩu tăng trưởng 41%. Mũi nhọn tăng trưởng xuất nhập khẩu đến từ máy vi tính, sản phẩm điện tử và máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng.

Tuy nhiên, xuất nhập khẩu tháng 2 sẽ giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của Tết Nguyên Đán. Tình trạng xuất nhập khẩu trong quý 1 có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19 đợt 3. Nếu Chínnh phủ thành công khống chế được Covid-19, Công ty chứng khoán BSC ước tính xuất khẩu có thể tăng 8,7% trong khi nhập khẩu tăng 9,1% vào năm 2021.

Các dữ liệu dự báo của BSC cho thấy nhu cầu đồng USD vẫn đứng ở mức cao. Đó là lý do USD tăng mạnh trong ngày đầu năm mới.

Tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ, áp dụng cho ngày 17/2 là 23.122 đồng/USD. Tỷ giá áp dụng cho ngày 17/2 là 23.125 đồng/USD - 23.766 đồng/USD.

Chỉ số DXY (USD Index), thước đo giá trị của đồng đô la Mỹ (USD) so với giá trị của một rổ tiền tệ gồm các đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ đang giao dịch ở mức 90,66, tăng 0,15 điểm, tương đương 0,16%.

TIN LIÊN QUAN