Tục "ăn Tết lại"
Ăn Tết lại là một phong tục độc đáo của người Việt, Có một số sự tích về tục ăn Tết lại, nhưng điển hình là sự kiện vua Quang Trung đánh giặc nhà Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long. Các binh sĩ không được hưởng Tết trọn vẹn do phải hành quân đánh giặc, do đó, ngay sau khi giải phóng thành Thăng Long, người dân ổn định lại cuộc sống, vua Quang Trung đã cho binh sĩ và nhân dân ăn Tết lại để có một cái Tết trọn vẹn.
Sự tích thứ hai được giải thích cũng liên quan đến nghĩa quân Tây Sơn. Dân làng trong không khí đón Tết nhưng do phải chạy giặc, họ chỉ đem theo được rất ít đồ, còn phần lớn bánh chưng phải vứt xuống ao. Khi kinh thành được giải phóng, họ trở về và thử vớt bánh lên, thấy vẫn còn thơm ngon. Dân chúng cảm tạ thần linh đã giúp vua Quang Trung đánh tan giặc Thanh, giải phóng kinh đô Thăng Long, cho họ được mở tiệc ăn Tết tại nhà.
Từ đó, ở địa phương giữ lại cách thức ngâm bánh chưng xuống ao, xuống giếng nước, sau vớt lên “ăn Tết lại”. Nếu không, người dân sẽ gói đợt bánh khác để ăn tới tận rằm tháng Giêng, có khi tới tận cuối tháng Giêng, gọi là tục “ăn Tết lại”.
Tục lệ nghìn năm ở ngoại thành Hà Nội
"Tết lại" không tổ chức vào một ngày cố định, mà trải dài từ mùng 4 - 22 tháng Giêng, mỗi thôn, xã sẽ tổ chức vào các ngày khác nhau. Tục lệ ăn "Tết lại" diễn ra ở nhiều làng quê vùng ngoại thành Hà Nội như Chương Mỹ, Hoài Đức, Thanh Oai... nhưng đến nay, chỉ còn một số xã tại huyện Sóc Sơn còn tồn tại văn hóa này.
Trước kia, sau khi ăn uống và chúc tụng nhau, mọi người cùng ra đình làng tham gia các trò chơi dân gian như chọi gà, đu quay, đập niêu, úp chậu… Theo quan niệm, Tết Nguyên đán là để con cháu, anh chị em ruột thịt gặp mặt chúc Tết, còn "Tết lại" là để đón tiếp bạn bè và khách thập phương.
Chị Nguyễn Thị Hà (Sóc Sơn) chia sẻ, ngày "Tết lại", hầu hết nhà nào cũng gói bánh chưng, gói giò, mổ gà, bày hoa quả. Người các thôn đổ về tham gia chơi đấu vật, chọi gà, đánh đu… tại sân bãi của đình làng. "Vào ngày Tết lại, bạn bè mới sẽ qua nhà nhau gặp gỡ và bàn chuyện làm ăn. Chứ mấy ngày Tết chính là dành cho gia đình và qua nhà họ hàng chúc Tết hết rồi. Nhưng đến Tết lại thì vẫn phải sắm sửa mọi thứ khác để mời các cụ về ăn Tết mới" - chị nói.
Chú Toàn Minh (Sóc Sơn) cho biết: "Tết lại" có khi còn to hơn cả Tết Nguyên đán. Cứ khách nào đến chúc tết đều được giữ lại ăn cơm, nhiều gia đình vui chơi và ca hát đến tận đêm. Nhà nào có nhiều người đến ăn "Tết lại", đặc biệt là những người xa lạ, coi như năm đó nhiều lộc. Cứ ăn hết thôn này rồi đến thôn khác".
Có thế thấy, đối với một số địa phương, Tết lại vẫn là một phong tục không thể thiếu, là món ăn tinh thần và là một nét đẹp văn hóa, truyền thống của người Việt.