Trước thềm 1/7, trên thị trường Hà Nội, tại những cửa hàng phân phối các thương hiệu MBH chính hãng như Protec, Honda, Osaka… tại các tuyến phố Xã Đàn, Cầu Giấy, Phạm Ngọc Thạch… không khí mua bán diễn ra nhộn nhịp. Chủ một số cửa hàng cho biết, lượng khách đến lựa chọn mua MBH chính hãng có đủ tem CR và phiếu bảo hành tăng đáng kể trong những ngày gân đây.
Tuy nhiên, trên một số tuyến phố chuyên bán MBH thời trang, không rõ nguồn gốc như Chùa Bộc, Phố Huế, Nguyễn Xiển, đường Láng, Nguyễn Trãi… MBH “rởm” vẫn được bày bán, dù người mua rất vắng vẻ.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, 60% MBH hiện nay không đạt chuẩn. Trong năm 2013, các vụ tai nạn giao thông đã khiến 764 người chết và 336 người bị thương; trong đó gần 65% các vụ tai nạn có liên quan đến MBH, hầu hết trẻ em dưới 14 tuổi bị tai nạn giao thông là do ngồi trên xe máy.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc từ MBH không đạt chuẩn, từ 1/7, lực lượng chức năng sẽ xử phạt người đi xe máy đội mũ không đủ 3 bộ phận bao gồm: vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động và quai mũ.
Theo Thông tư liên tịch 06 (của Bộ GTVT, Bộ KH&CN, Bộ Công an, Bộ Công thương), MBH rởm là những loại mũ có kiểu dáng bên ngoài giống MBH cho người đi mô tô, xe máy nhưng không có dấu hợp quy; không hoặc chưa có công bố tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa; các loại mũ làm giả, làm nhái mẫu mã của các thương hiệu MBH xe máy đúng quy chuẩn chất lượng; các loại MBH xe máy không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần công bố, MBH đạt chuẩn có những thông số chung gì và quy định cụ thể bằng luật. Qua đó, nhà sản xuất có chuẩn để làm, người tiêu dùng căn cứ vào đó để chọn mũ và cơ quan chức năng có cơ sở để phạt. Bên cạnh đó, cần truy tìm và phạt nặng những cơ sở sản xuất MBH không đạt chất lượng, chứ không chỉ phạt “ngọn” là khi người tiêu dùng sử dụng; bởi người tiêu dùng nhiều khi không phân biệt được hết mũ thật và mũ rởm.