TS. Phan Đức Hiếu: Lạm phát của Việt Nam đang chịu nhiều áp lực

(CL&CS) - Theo TS. Phan Đức Hiếu, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang khiến giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào đang bước vào đợt tăng giá mới. Điều này khiến lạm phát của Việt Nam phải chịu 4 áp lực.

TS. Phan Đức Hiếu cho biết, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang khiến giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào đang bước vào đợt tăng giá mới

Tại tọa đàm: "Đánh giá tác động từ xung đột vũ trang Nga - Ukraine đến nền kinh tế Việt Nam, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội cho rằng, trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, nền kinh tế đang rất bất lợi.

Chia sẻ lý do đưa ra nhận định trên, ông Hiếu cho biết, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang khiến giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào đang bước vào đợt tăng giá mới. Điều này khiến lạm phát của Việt Nam phải chịu 4 áp lực.

Thứ nhất, nguồn cung xăng dầu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 70-80% nhu cầu. Khi giá xăng dầu thế giới tăng cũng đồng nghĩa giá xăng dầu trong nước tăng. Vì vậy, chi phí sản xuất kinh doanh, hay chi phí sinh hoạt của người dân bị đội lên nhiều.

Thứ hai, giá xăng dầu thế giới tăng cũng tác động đến nhiều quốc gia khác, trong đó có các quốc gia là bạn hàng của Việt Nam. Với cách tổ chức nền kinh tế có độ mở lớn, việc bị ảnh hưởng là điều không thể tránh.

Thứ ba là giá một số mặt hàng phụ thuộc vào nguồn cung của Nga cũng sẽ gia tăng. Chẳng hạn như mặt hàng kim loại tăng không tác động trực tiếp với Việt Nam, song sẽ làm giá nguyên vật liệu đầu vào tại các nước tăng, từ đó gây nên ảnh hưởng gián tiếp tới nước ta.

Ông Hiếu thông tin, Nga còn xuất khẩu rất nhiều các loại hàng hoá khác như niken, titanium, kim loại cơ bản,... thậm chí là lúa mì, lương thực và chất dinh dưỡng của phân bón. Chỉ riêng phân bón cũng đã tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

"Chúng ta sản xuất rất nhiều phân bón, song cũng nhập khẩu rất nhiều phân bón. Như vậy, nó không chỉ tác động tới doanh nghiệp mà còn tác động tới nền nông nghiệp, thậm chí tác động tới bà con nông dân", ông Hiếu nhấn mạnh.

Thứ tư, theo thống kê của Liên minh châu Âu (EU), chỉ số giá tiêu dùng tại châu Âu tháng 2/2022 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến nhiều quốc gia buộc phải điều chỉnh chính sách tiền tệ. Và chính những điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ tại Việt Nam.

Từ những kênh dẫn trên, ông Hiếu một lần nữa nhấn mạnh "áp lực lạm phát đang rất nặng". Đặc biệt, khi đặt trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành triển khai gói kích thích, phục hồi kinh tế với quy mô lên tới 350.000 tỷ đồng, theo ông Hiếu áp lực này rất đáng lưu tâm.

"Tại thời điểm chuẩn bị ban hành gói hỗ trợ, kích thích kinh tế, nhiều chuyên gia đã lo lắng cho mục tiêu lạm phát. Giờ đây, cộng thêm các áp lực mới, rủi ro lạm phát lại càng tăng cao", ông Hiếu nhấn mạnh.

Vì vậy, ông Hiếu cho rằng, đối với gói phục hồi kinh tế, Việt Nam phải càng quyết liệt hơn nữa. Nếu trước kia, thời gian để thiết kế là quan trọng, thì giờ đây thời gian để hoàn thành là quan trọng nhất.

TIN LIÊN QUAN