TS Nguyễn Đình Cung: Chúng ta tiếp tục trả giá thêm về môi trường nhưng môi trường vẫn xấu!

(CL&CS) - Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) việc soạn thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 vẫn tiếp cận theo cách cũ, tăng bộ máy, tăng chi phí trong khi không có gì chắc chắn với cách quản lý đo môi trường sẽ tốt hơn…

Bất ngờ vì nhiều nội dung đã được tiếp thu chóng vánh

Tại Hội thảo Góp ý Dự thảo Nghi định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 do CIEM tổ chức 18/10, đại diện nhiều HHDN đã chia sẻ rằng họ bất ngờ về buổi làm việc với Bộ TN&MT diễn ra vào buổi sáng khi kiến nghị của HHDN đã được  Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chỉ đạo Ban soạn thảo tiếp thu.

Trước đó, ngày 11/10, 11 HHDN cùng ký đơn gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tưởng Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ ngành liên quan góp ý, kiến nghị một số nội dung lớn tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020).

Tại bản Kiến nghị này, các HHDN đưa ra 1 kiến nghị chung (Nghị định không được đưa ra những điều nằm ngoài quy định của Luật BVMT, không tạo mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác) và 6 kiến nghị cụ thể (Đơn giản, minh bạch hóa thủ tục cấp giấy phép môi trường; Sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn Việt Nam; Bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR và Hội đồng EPR; Quy định rõ ràng việc đóng góp tài chính để tái chế bao bì, sản phẩm và xử lý chất thải; Điều chỉnh tỷ lệ tái chế bắt buộc để tái chế sản phẩm, bao bì, tỷ lệ đóng góp để xử lý chất thải; Lùi lộ trình thực hiện đóng góp tái chế đến tháng 1/2025).

Đại diện HHDN chưa hết băn khoăn về dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật BVMT 2020

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ: “Hầu hết các kiến nghị của các HHDN đề được Bộ trưởng tiếp thu. Chỉ có một vài điểm Bộ trưởng bảo sẽ xem xét về mặt kỹ thuật”

“Sáng nay tôi hơn bị ngạc nhiên. Dự thảo vẫn đưa Văn phòng EPR và nhưng Bộ trưởng đã tiếp thu không đưa vào. Thực lòng tôi chưng hửng, Cả buổi tôi không phát biểu!”- Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam, ông Trần Quang Trung chia sẻ.

Tuy nhiên đại diện HHDN này vẫn chưa hết băn khoăn bởi còn nhiều quy định ông cho rằng “có tiếp thu nhưng không rõ ràng” như quy định về túi nilon, DN thu gom và tái chế, cấp phép, kiểm tra…“Sáng nay DN phấn khởi vỗ tay nhưng cứ chờ bản gửi Chính phủ xem thế nào..”- Ông Trung chưa hết băn khoăn.

Đại điện VASEP cho biết, ông cũng có lý do để băn khoăn bởi qua tham khảo kinh nghiệm của những Bộ ngành, HHDN trước đó có những dự thảo được tiếp thu 70- 80% nhưng khi ban hành chỉ được 20- 30%.

Sai ngay từ cách tiếp cận

Theo TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM, Dự thảo đã qua các đợt lấy ý kiến nhưng nhiều nội dung trong dự thảo chưa được tiếp thu;

Đơn cử về thủ tục cấp giấy phép môi trường (GPMT), dự thảo quy định rất phức tạp, trùng lặp, khó tiên liệu; chưa có quy định phân biệt rõ ràng cho từng nhóm dự án nên gây rủi ro chính sách lớn, thiếu minh bạch về thời gian. Quy định và thủ tục cấp giấy GPMT chưa theo nguyên tắc quản lý hiện đại (vẫn là tiền kiểm). Hiện chưa có quy định về lộ trình cấp GPMT trực tuyến…“Với những quy định như vậy tạo sự tùy ý trong thực thi, tăng chi phí không cần thiết cho DN, xã hội…”- Bà Thảo nhận định.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, thực ra so với những phiên bản đầu, Dự thảo đã được tiếp thu đến 70- 80%. “Đến bản Bộ Tư pháp thầm định là một bước tiến dài!”- Ông khẳng định.

Tuy nhiên ông Tùng thừa nhận vẫn còn những quy định mang dấu tích “ôm quyền lợi”, hay “cài cắm”.

Chia sẻ về cách công chức cấp đánh giá tác động môi trường (ĐMT) trước đây, ông Tùng cho rằng quy định trong dự thảo này “y như thế” : “Hướng dẫn không rõ ràng, chung chung, không liên thông, không công nghệ thông tin, thủ tục phức tạp, mức độ chuyển đổi số rất thấp, không tham khảo kinh nghiệm nước ngoài..”- Ông nhận xét.

Hay như Luật không quy định kiểm tra, dự thảo vẫn đưa vào, còn quy định cụ thể DN phải thử nghiệp như thế nào… “Ơ hay, chuyện nội bộ là của DN, cơ quan quản lý thấy vi phạm, gây ô nhiễm là phạt sao phải bắt DN phải làm thế này làm thế kia?”- Ông Tùng thẳng thắn và ẩn ý khi cho rằng “dư đại cải cách” còn rất lớn.

“Mấu chốt của vấn đề là Ban soạn thảo vẫn tiếp cận theo cách cũ, lạc hậu, không hiệu quả, tăng thêm chi phí, bộ máy …!”- TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM khẳng định.

Nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng Dự thảo Nhị định này có rất nhiều kỷ lục: Luật có 130 trang nhưng Dự thảo có tới 300 trang; Trong rất nhiều cái “không” mà ông đã từng đề cập đến (Không rõ ràng, không minh bạch, không tiên lượng, không khả thi, không hiệu quả…) thì dự thảo này  còn không hợp pháp, không thực tiễn, không khoa học.

Dẫn các quy định trong Dự thảo, chuyên gia này nhấn mạnh việc Luật không quy định nhưng đưa vào Nghị định là phi pháp. “Tôi đề nghị không nên ban hành Nghị định này mà cần phải làm lại, nhất là trong bối cảnh DN đang rất khó khăn vì COVID-19 như hiện nay…”-Chuyên gia này đề nghị.

Liên quan đến quy định về đóng góp tài chính trong Dự thảo, TS Cung thẳng thắn: “Với cách quan lý này mất tiền mà không bảo vệ được môi trường. Mặc dù là Tổng cục Môi trường nhưng với dự thảo này họ không biết làm gì để bảo vệ môi trưởng ngoài cấp phép. Trong khi giải pháp cho vấn đề này phải là giải pháp thị trường để toàn dân tham gia bảo vệ môi trường…”- TS Cung đề nghị.

Ông cũng thẳng thắn khi cho rằng việc tiếp thu của Bộ TN&MT chỉ là động thái “rút củi đáy nồi” “Chúng ta tiếp tục trả giá thêm về môi trường nhưng môi trường vẫn xấu. Phải bám sát , tạo áp lực đủ lớn để thay đổi...”- Ông đề nghị.

TIN LIÊN QUAN