Trong đề án vừa công bố, thay vì chỉ tuyển sinh bằng tổ hợp B00 như hàng chục năm qua, năm 2024, Đại học Y Hà Nội lần đầu tiên dùng cả tổ hợp D01 và C00.
Lý giải về điều này, đại diện trường cho biết, các tổ hợp mới chỉ áp dụng với hai ngành, số lượng chỉ tiêu cũng không nhiều. Trong đó, ngành Y tế công cộng tuyển bằng tổ hợp B08 (Toán, Sinh, Anh) và D01 (Toán, Văn, Anh), ngành Tâm lý học dùng D01 (Toán, Văn, Anh) và C00 (Văn, Sử, Địa), bên cạnh tổ hợp truyền thống là B00 (Toán, Sinh, Hóa). Chỉ tiêu cho mỗi tổ hợp ở mỗi ngành là 20 sinh viên.
Trong đó, Tâm lý học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, có nhiều phần kiến thức liên quan đến các môn xã hội. Y tế công cộng là ngành khoa học về phòng ngừa bệnh tật, kéo dài tuổi thọ, tăng cường sức khỏe và hiệu quả thể chất thông qua những cố gắng của cộng đồng. Sinh viên ra trường chủ yếu làm cho các tổ chức quốc tế, phi Chính phủ, các dự án cần sử dụng tiếng Anh nhiều.
Vì thế, căn cứ chương trình đào tạo, yêu cầu về năng lực của các bên, nhà trường quyết định mở rộng tổ hợp xét tuyển. Đại diện trường nhấn mạnh với các ngành đào tạo khối sức khỏe truyền thống, trường vẫn chỉ xét tuyển bằng tổ hợp B00.
Đại học Y Hà Nội là trường đại học lâu đời nhất Việt Nam với bề dày lịch sử 122 năm. Là trường đại học trọng điểm quốc gia, được chính thức được thành lập năm 1902. Tiền thân của trường là Đại học Y Dược Đông Dương với nhiệm vụ ban đầu là đào tạo nhân lực y khoa cho cả ba nước Đông Dương. Hiệu trưởng đầu tiên của trường là nhà khoa học, bác sĩ Alexandre Yersin.
Sau Cách mạng Tháng Tám, trường được đổi tên thành Đại học Y Dược Việt Nam và cũng là trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Giáo sư, bác sĩ Hồ Ðắc Di là người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng của trường. Ngày 15/11/1945, Giáo sư Hồ Ðắc Di đã đọc diễn văn khai giảng trước sự chứng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bằng uy tín lớn của mình, ông đã tập hợp được những thầy thuốc có chuyên môn giỏi và luôn tâm huyết với nghề về giảng dạy. Nhiều thầy thuốc trẻ đã được đào tạo tại trường hoặc được tu nghiệp ở nước ngoài trở về nước, góp phần làm tăng dần đội ngũ giảng viên. Trong đó có các nhà khoa học lớn như Giáo sư Tôn Thất Tùng, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giáo sư Ðặng Văn Ngữ, Giáo sư Ðỗ Xuân Hợp.
Đến nay, Đại học Y Hà Nội vẫn là trường đào tạo hàng chục ngàn bác sĩ đa khoa, chuyên khoa, Thạc sĩ, Tiến sĩ chất lượng cao đào tạo hàng đầu tại Việt Nam. Trường còn là hạt nhân, nơi khởi nguồn để xây dựng nhiều trường đại học y dược trong cả nước như Y Dược Hải Phòng, Y Dược Thái Bình, Y Dược TP. HCM…
Đã được thành lập 122 năm nên Đại học Y Hà Nội cũng là niềm mơ ước của đông đảo các học sinh khi có đam mê với ngành y và muốn trở thành bác sĩ. Trường có điểm tuyển sinh cao và luôn nằm trong top những trường đại học hot nhất của Việt Nam, là niềm tự hào của các sinh viên đã và đang học tại trường. Theo kế hoạch, trường đang tích cực đổi mới chương trình dạy và học, nhằm đào tạo những "nhân viên y tế tương lai" phù hợp với bối cảnh xã hội và giảng dạy ngành y của thế kỷ XXI.
Tại Việt Nam, trường Đại học Y Hà Nội là trường duy nhất trong khối ngành đào tạo về sức khoẻ khi có 3 ngành được xếp hạng rất cao trong bảng xếp hạng toàn cầu các môn học thuật năm 2023 của ShanghaiRanking – một trong những bảng xếp hạng uy tín nhất của thế giới về các trường đại học. Trường được ghi nhận ở thứ tự 365 trường đại học tốt nhất toàn cầu về lĩnh vực Y học lâm sàng.
Hiện nay, Nhà trường có mối quan hệ rộng khắp với các tổ chức quốc tế đa phương lớn như WHO và các tổ chức liên hợp quốc như NGOs quốc tế. Các hợp tác song phương cũng không ngừng được phát triển, đặc biệt với Thụy Điển, Hà Lan, Pháp, Nhật, Úc, Mỹ…