Doanh nghiệp Việt có dịp nhìn nhận và đầu tư quy mô kinh doanh, gia tăng chất lượng sản phẩm. |
Hôm 10/2, phát biểu tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, trước những khó khăn ngay từ đầu năm do ảnh hưởng của dịch Corona, cả hệ thống chính trị sẽ cùng sát cánh vừa chống dịch, vừa triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của năm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì cho rằng, dịch bệnh là cơ hội để Việt Nam nhìn lại chính mình, thấy được các điểm yếu của nền kinh tế. Đó chính là cơ hội để sắp xếp, cơ cấu lại, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. “Cái chựng lại không tốt, nhưng nó sẽ giúp mình thấy được đi đúng hay đi sai, đó là cơ hội” - Bộ trưởng Dũng nói.
Thực tế, một số ngành kinh tế, cũng như doanh nghiệp Việt Nam đã có chuyển biến tích cực ngay trong “cơn bão” dịch bệnh hoành hành. Điểm sáng tích cực này đến từ các ngành kinh tế đa thị trường, không lệ thuộc vào một, hai thị trường nhất định (như Trung Quốc - PV). Hoặc một số ít được hưởng lợi ngắn hạn tự hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu.
Việc xây dựng được một nền kinh tế độc lập, tự chủ, ít lệ thuộc hơn, khả năng chống và thích ứng với các biến động nhiều hơn là thứ mà các đơn vị chủ chốt cần định hướng và hỗ trợ chung tay với các doanh nghiệp.
Nhiều lần các chuyên gia đầu ngành kiến nghị cần khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất, bởi người Việt Nam và tại Việt Nam. Đồng thời đa dạng nguồn nguyên liệu nhập khẩu và cả các thị trường đầu ra.
Theo chia sẻ của ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Kim Bôi, hiện khách hàng chủ yếu của doanh nghiệp này là Nhật và châu Âu nên ít tác động. Vị này còn lạc quan cho rằng, với tình hình Trung Quốc “bế quan tỏa cảng”, các nước khác không giao thương được với Trung Quốc từ đó nhiều mặt hàng của Việt Nam cùng loại với Trung Quốc sẽ được hưởng lợi.
Một tín hiệu đáng mừng khác trong bức tranh ảm đạm của ngành nông sản gần đây là mặt hàng chuối đang có giá cao khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông Nguyễn Văn Nhỏ, người có 2ha đất trồng chuối xuất khẩu tại Đồng Nai phấn khởi nói: “Mọi năm không có dịch bệnh chuối cũng là mặt hàng hàng đầu kêu gọi giải cứu. Vậy mà năm nay, ngay thời điểm dịch, chuối xuất khẩu vẫn bán đi nhanh chóng với giá 10.000 đồng/kg”. Ông Nhỏ còn hồ hởi cho biết, với mức giá này nông dân lãi khoảng 200-300 triệu đồng/ha, đây là con số quá tốt trong bối cảnh ngành nông sản chịu nhiều thiệt thòi vì “lối đi” Trung Quốc bị bịt kín.
Biết cách tạo hình dáng mẫu mã bắt mắt và tăng chất lượng nên trái chuối xuất khẩu ổn định và giá cao ngay trong mùa dịch bệnh. |
Theo ông Tô Quảng Dzoãn (thương lái thu mua chuối), nguyên nhân thời điểm này chuối vẫn giữ giá tốt và có sức mua cao là vì hiện tại đang là mùa nghịch ở Trung Quốc, hàng rất khan hiếm trong khi nhu cầu cao nên buộc thị trường này phải nhập khẩu từ nơi khác, trong đó có Việt Nam. Hơn nữa, hiện nay bà con nông dân đã chú trọng hơn về chất lượng, hình dáng và cả bao bì nhãn mác cho trái chuối. Nếu những năm trước thương lái mua chuối phải chọn kỹ và bỏ nhiều phần thì năm nay với sự đầu tư kỹ lưỡng của bà con nông dân, hầu như ít bỏ và tăng giá.
Đáng chú ý, ngành hàng được cho là hưởng lợi nhiều nhất khi mà Trung Quốc đang khó khăn trong giao thương hiện nay chính là gỗ. Hiện Trung Quốc đã phải hủy bỏ các hội chợ, triển lãm lớn ngành gỗ, thậm chí các xưởng sản xuất lớn cũng ngưng trệ do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Các chuyên gia đầu ngành nhận định, nếu Việt Nam kiểm soát tốt công tác phòng chống dịch Corona, ngành gỗ có thể vươn lên vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng xuất khẩu gỗ thế giới bởi hiện nay tại châu Á, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc về xuất khẩu gỗ. Trong khi đó, thời điểm này nhiều đơn hàng từ Mỹ, EU, Nhật đã hủy ở Trung Quốc nên nhiều khả năng sẽ chuyển sang Việt Nam. Đồng thời, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp trong nước đã tự chủ được 70% nguồn nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đây chắc chắn là lợi thế không hề nhỏ của ngành.
Rõ ràng, khi doanh nghiệp biết cách xoay trở tình thế, biết nắm bắt cơ hội trước sự định hướng, đồng hành và hỗ trợ tối đa từ Chính phủ thì Việt Nam hoàn toàn có thể đứng vững trước dịch Corona, đồng thời đạt được các chỉ tiêu kinh tế đề ra trong năm 2020.
Nguyễn Ngọc