Xử lý nghiêm minh, chế tài phải mạnh
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bộc lộ rủi ro. Trước đó Bộ Tài chính đã vài lần đưa ra cảnh báo. Nhiều người cho rằng cần hoàn thiện hệ thống pháp lý, củng cố thể chế pháp luật, phải thắt chặt hơn.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Chất lượng và cuộc sống, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI – Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC cho rằng, hoàn thiện hệ thống pháp lý không có nghĩa là thắt chặt hơn, không nên làm khó kênh phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Quan trọng là phải cần đảm bảo thông tin đến được thị trường một cách công khai, minh bạch, chính xác. Và phải sớm có cảnh báo, phát hiện sớm các sai phạm.Cần phải có chế tài thật mạnh, xử lý nghiêm minh. Những hành vi vi phạm phải được xử lý thật nghiêm, phạt thật nặng, thậm chí phải tăng mức sử phạt.
“Cơ sở pháp lý cho trái phiếu doanh nghiệp đã khá đầy đủ. Quy định đã khá chặt chẽ với nhiều giới hạn. Nhưng có những sai phạm hiển nhiên, trắng trợn tràn lan mà xử lý không nghiêm gây mất niềm tin của nhà đầu tư. Phía đầu thắt chặt quy định mà phía sau bỏ ngỏ xử lý không nghiêm, mức phạt không đủ nặng nên vi phạm vẫn tràn lan, vẫn tái diễn”, Luật sư Đức nói.
TS.Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia cũng cho rằng quy định đã đầy đủ và khá chặt chẽ và cần cái nhìn thoáng hơn và tiếp cận thông lệ quốc tế về trái phiếu doanh nghiệp để thị trường này phát triển.
Nếu cứ để thị trường này phát triển èo uột trong khung khổ pháp lý chật hẹp, cứ loay hoay lo giám sát việc doanh nghiệp sử dụng vốn ra sao, hay căn ke về tài sản đảm bảo thì làm sao có được doanh nghiệp khởi nghiệp, làm sao doanh nghiệp các ngành sản xuất phát hành được trái phiếu, làm sao doanh nghiệp cai được vốn ngân hàng.
‘Phải để nền kinh tế cai được vốn ngân hàng bằng cách doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và dùng vốn của chính mình”, chuyên gia tài chính ngân hàng-TS.Lê Xuân Nghĩa nói.
Đã cả một thời kỳ dài vốn của nền kinh tế dựa cả vào hệ thống ngân hàng do thị trường vốn, thị trường trái phiếu chưa phát triển. Việc phát triển thị trường trái phiếu, để các doanh nghiệp tự huy động vốn trên thị trường vốn bằng cách phát hành trái phiếu là định hướng của Chính phủ. Tuy nhiên gần đây thị trường trái phiếu đã phát triển nóng và đã bộc lộ rủi ro.
9 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ, nhiều người mua trái phiếu đang chờ xem có lấy lại được tiền hay không... là lời cảnh tỉnh. Tuy nhiên không vì những vụ việc này mà siết chặt khiến việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp trở nên khó khăn như thế thị trường trái phiếu kém phát triển.
“Vụ việc này sẽ làm nhiều chủ thể thị trường, gồm cả nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành và cơ quan quản lý phải nhìn lại mình, nhìn lại hệ thống pháp luật để bảo đảm tính tuân thủ. Thị trường trái phiếu là thị trường có rủi ro với những người không có đủ năng lực. Nhiều người sẽ phải trả học phí để nâng cao năng lực của mình, nhưng phí đó là cần thiết cho sự phát triển dài hạn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Xử lý con người sai phạm, nhưng không để doanh nghiệp sụp đổ
Về phía người mua, khi đã chọn đầu tư vào trái phiếu với lãi suất 8%-9%, có khi tới 12% thậm chí là 15-18% tức là đã chọn đầu tư có rủi ro, không thể đòi hỏi an toàn cho tiền vốn như khi gửi tiết kiệm ở ngân hàng với lãi suất 5%, 6%.
TS.Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng không thể chỉ vì vài vụ việc mà cho rằng thị trường trái phiếu có vấn đề ghê gớm. Những vụ việc vừa qua không đáng kể gì so với những vụ việc xảy ra trên thế giới.
Khi chúng ta phát hiện có hiện tượng bất thường phải giám sát ngay. Và cũng đừng nhìn doanh nghiệp phát hành trái phiếu như những người xấu mà cần có những hành vi uốn nắn trong sự giám sát để tạo lòng tin thị trường.
Giai đoạn đầu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể sẽ có những “hỗn loạn” nhất định, cũng như sự xuất hiện ào ạt của các F0 (nhà đầu tư chứng khoán mới trên thị trường) thường mang lại cảm giác đáng lo ngại. Nhưng chính họ tạo nên xung lực cho thị trường.
Thị trường luôn có con lắc lúc sang phải lúc sang trái, nhưng chính những con lắc đó tạo nên xung lực của thị trường, có xung lực, thị trường sẽ phát triển. Ông Nghĩa nói.
Cần phải xác định rõ, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu phải là kênh huy động chính của doanh nghiệp, TS.Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh. Vị chuyên gia này cho hay, “ở châu Âu, ở các nước phát triển, vốn tín dụng cho doanh nghiệp vay, kể cả doanh nghiệp bất động sản và doanh nghiệp sản xuất chỉ chiếm 20%. Ở ta thì ngược lại, tỷ lệ vốn từ ngân hàng vẫn chiếm tới 80%. Đây là biểu hiện của một thị trường tài chính kém phát triển.
Doanh nghiệp vay vốn ngân hàng cũng có nhiều điểm tích cực vì không chỉ là vay vốn mà doanh nghiệp còn tăng minh bạch, nâng cao năng lực quản lý quản trị dòng tiền, xây dựng được thói quen quản trị nợ...
Nhưng về lâu dài phải tuân theo xu thế phát triển chung, đó là vốn dài hạn được huy động từ vốn cổ phiếu, trái phiếu và quan trọng là tăng năng lực tích lũy vốn, doanh nghiệp chỉ sử dụng tín dụng ngân hàng với vốn ngắn hạn, vốn lưu động.
Theo các chuyên gia, nên coi những vụ việc vừa qua là cơ hội để lành mạnh hóa thị trường; vừa kiến tạo phát triển, vừa kiểm soát được rủi ro.
Để thị trường phát triển lành mạnh, quan trọng là nghiêm minh và minh bạch. Minh bạch ngay được từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp; minh bạch trong cơ chế giám sát độc lập, minh bạch trong xử lý các hành vi vi phạm, thì niềm tin của thị trường sẽ được tạo lập, thị trường sẽ phát triển.
Và cần hoàn thiện hệ thống giám sát doanh nghiệp, giám sát và cảnh báo thị trường. Chứ không phải là siết chặt.
“Càng siết chặt càng sai nguyên tắc thị trường”, Luật sư Đức nói. TS.Lê Xuân Nghĩa thì nhấn mạnh, cần tuân thủ nguyên tắc: xử lý con người sai phạm, nhưng phải giữ được doanh nghiệp, không để doanh nghiệp sụp đổ.