TP.HCM dành 15 ha đất xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân

(CL&CS) - Đây là phản ứng rất nhanh nhạy của lãnh đạo TP.HCM khi thành phố chuyển sang trạng thái "bình thường mới" hậu Covid-19 và làn sóng người lao động rời "miền đất hứa" về quê do thiếu nơi ăn chốn ở đảm bảo an sinh.

Khu tái định cư 12.500 căn xây dựng nhiều năm nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động

Mới đây, Văn phòng UBND TP.HCM có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình về phương án triển khai xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân trên địa bàn thành phố. UBND TP.HCM giao các sở ngành liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng.

Theo đó, ông Lê Hòa Bình giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, thống kê quỹ đất nhà ở xã hội do Nhà nước quản lý được điều tiết tại các dự án nhà ở thương mại. Yêu cầu các chủ đầu tư dự án khẩn trương triển khai thực hiện, trường hợp không đầu tư xây dựng phải bàn giao đất lại cho Nhà nước quản lý để tổ chức thực hiện, không để lãng phí quỹ đất này. Các đơn vị hoàn thành công tác trên trước ngày 15/10. Đồng thời, Sở Xây dựng khẩn trương thực hiện hoàn chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, trình UBND TP.HCM phê duyệt trước ngày 15/10, làm cơ sở triển khai kế hoạch phát triển nhà ở năm 2021.

Với khu tái định cư 15ha tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành liên quan và chính quyền địa phương cung cấp thông tin quy hoạch, kiến trúc để nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, xây dựng tiêu chí, thông tin mời thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án. 

Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao nhiệm vụ xây dựng các tiêu chí và đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu đất dự kiến thực hiện dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân trên địa bàn thành phố.

Chương trình phát triển nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030, trọng tâm phát triển nhà ở xã hội tại 6 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành. Bởi đây là khu vực tập trung lực lượng lao động di cư về thành phố, có nhu cầu nhà ở xã hội cao nhất.

Những năm qua, TP.HCM đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhưng nhiều nhà đầu tư chưa quan tâm đến nhà ở lưu trú cho công nhân, sinh viên và nhà ở cho thuê. Chỉ có một số nhà đầu tư nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể tham gia xây dựng các loại hình nhà ở này. Điều này dẫn đến người dân có nhu cầu phải thuê trọ với điều kiện sống thiếu thốn.

TIN LIÊN QUAN