TP.HCM: Chung cư sẽ được chia thành 2 loại để đề xuất phương án cấp sổ hồng

(CL&CS) - Theo lãnh đạo TP.HCM, các dự án xây dựng chung cư trên địa bàn thành phố sẽ được chia thành 2 loại để đề xuất phương án giải quyết, cấp sổ hồng cho người dân.

Thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hiện toàn thành phố đang có 63 dự án nhà ở của 17 doanh nghiệp với tổng cộng khoảng 27.709 căn hộ đang chờ cấp giấy chủ quyền do pháp luật chồng chéo, chưa thống nhất. Việc chậm cấp sổ hồng đang là vấn đề bức xúc của người dân và doanh nghiệp bất động sản.

Sắp tới hàng ngàn cư dân tại TP.HCM sẽ được cấp sổ hồng

Ngày 9/9/2020, UBND TP.HCM có Công văn 3461/UBND-ĐT gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Tài chính về kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc xác định, thẩm định giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính trên địa bàn.

Liên quan đến những vướng mắc về xác định tiền sử dụng đất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP.HCM tập trung chỉ đạo Sở TN&MT và các đơn vị liên quan tăng cường, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn; chủ động phối hợp với các bộ liên quan, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản để kịp thời có các giải pháp khắc phục các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Bộ TN&MT, Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu Công văn số 3461/UBND-ĐT ngày 9/9/2020, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn và kiến nghị nêu trong Công văn theo chức năng, thẩm quyền; trường hợp không thuộc thẩm quyền thì nghiên cứu, đề xuất giải pháp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; phối hợp chặt chẽ và kịp thời hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra UBND TP.HCM trong thực hiện công tác này tốt hơn, kịp thời hơn để tạo điều kiện cho người dân thành phố.

Mới đây, theo chỉ đạo của ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, các dự án xây dựng chung cư trên địa bàn thành phố sẽ được chia thành 2 loại để đề xuất phương án giải quyết.

Theo đó, loại 1 gồm các dự án có tính chất biệt lập, chỉ có một số hạng mục công trình khép kín như hồ bơi, mảng xanh, bồn hoa. Với loại dự án này, toàn bộ diện tích đất dự án được xác định là đất ở để thu tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) theo quy định. 

Loại 2 gồm các dự án lớn có nhiều hạng mục phục vụ công cộng, ngoài công trình chung cư còn có nhiều công trình khác như công viên, trường học, bệnh viện, khu thương mại, khu thể dục thể thao… các trục đường chính kết nối với đường giao thông công cộng bên ngoài chung cư.

Với nhóm này, diện tích đất xây dựng chung cư để thu tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận được xác định theo cơ cấu sử dụng đất của dự án đã được phê duyệt theo quy hoạch và có thể chia thành 3 nhóm.

Nhóm 1 là nhóm đất xây dựng nhà ở (đất xây dựng chung cư), phải thu tiền sử dụng đất 100% diện tích phân bổ đất ở (gồm diện tích đã trừ mật độ xây dựng), cấp Giấy chứng nhận cho chủ đầu tư đủ diện tích đã đóng tiền sử dụng đất ở và nhà nước không quản lý diện tích này.

Nhóm 2 là nhóm đất xây dựng công trình công cộng (bệnh viện, trường học, công viên cây xanh, thể dục thể thao) nhà nước lập thủ tục quản lý, sau đó mới quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có giải pháp cho thuê (khuyến khích cho chủ đầu tư dự án tham gia đầu tư và khai thác hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định).

Nhóm 3 là nhóm đất xây dựng công trình giao thông hạ tầng kỹ thuật (chiếu sáng, viễn thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước…) chủ đầu tư hoàn thành việc xây dựng để bàn giao cho nhà nước quản lý. Phần diện tích này sẽ không thu tiền sử dụng đất và không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Phương thức xử lý với các dự án mới bắt đầu triển khai là các đơn vị tham mưu phải xác định rõ, cụ thể ngay từ đầu từng loại đất xây dựng công trình nhà ở chung cư và các công trình khác để làm cơ sở thu tiền sử dụng đất ở và cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

Với các dự án đã triển khai thực hiện trong giai đoạn trước đây, Sở TN&MT được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Kế hoạch Đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát các quy định trước đây, kiểm tra thực tế xây dựng để phân loại dự án, nhóm đất xây dựng các công trình như trên để có cơ sở thu tiền sử dụng đất. Trước mắt sẽ tập trung vào những dự án trọng điểm, có nhiều hộ dân, chủ đầu tư bức xúc.

Sở TN&MT có nhiệm vụ hệ thống hoá quy định pháp luật có liên quan từng thời kỳ, hoàn thiện lại đề xuất, lấy ý kiến HoREA và tham khảo Bộ TN&MT, sau đó trình Thường trực UBND TP.HCM để thống nhất chủ trương áp dụng chung trên toàn thành phố, hoàn thành báo cáo trong 1 tháng.

TIN LIÊN QUAN