TP Hồ Chí Minh tìm giải pháp phát triển nguồn nhân lực AI

(CL&CS) - TPHCM là một trong các địa phương đi đầu về triển khai nghiên cứu, ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Song nguồn nhân lực AI còn hạn chế về chất lượng và số lượng chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Việc phát triển nguồn nhân lực AI cần được xem là một chiến lược dài hạn. Ảnh: S.T

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo năm 2024” do Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM, Sở Khoa học và Công nghệ, Thành Đoàn TPHCM tổ chức ngày 24/12.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, 4 nhóm nhu cầu liên quan AI mà TPHCM đang rất cần phát triển, gồm: ứng dụng quản trị thành phố hiện đại và thành phố thông minh; sử dụng công cụ AI để tăng năng suất lao động của bộ máy chính quyền nhà nước; tăng năng suất lao động và hiệu quả của doanh nghiệp thành phố; ứng dụng AI vào những dịch vụ công phục vụ người dân.

PGS.TS Phạm Trần Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, xu hướng hiện nay AI đang được sử dụng phổ biến như một công nghệ mang tính hạ tầng nên cần rất nhiều nhân lực.

Toàn cảnh hội thảo.

Do đó, định hướng phát triển nguồn nhân lực AI trong giai đoạn hiện nay tập trung vào hai mục tiêu chính.

Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực ở quy mô lớn thông qua việc xây dựng và phát triển các ứng dụng AI, đồng thời đào tạo kỹ năng sử dụng các công cụ AI nhằm gia tăng hiệu quả công việc và tối ưu hóa quy trình sản xuất.

Thứ hai, tập trung phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu, có kỹ năng cao để làm chủ công nghệ, bao gồm việc nghiên cứu, xây dựng và phát triển các mô hình AI tiên tiến, cũng như thiết kế và triển khai các hệ thống tính toán và vi xử lý chuyên dụng cho AI.

Theo thống kê, trên địa bàn TPHCM có hơn 50 trường đại học, học viện. Trong đó, có khoảng 35 trường có chương trình đào tạo công nghệ thông tin-truyền thông. Tuy nhiên, chỉ có 14 chương trình đào tạo ngành AI, khoa học dữ liệu và kỹ thuật dữ liệu với chỉ tiêu đào tạo chưa đến 1.000 sinh viên đại học.

Bà Nguyễn Thị Thu Sương, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho biết, theo khảo sát nhu cầu nhân lực ngành AI, có gần 60% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng chất lượng nhân sự AI hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng; 25% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có đủ nhân sự AI để đáp ứng nhu cầu sử dụng; 25,9% cho rằng chất lượng đào tạo nhân lực AI chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Từ kết quả khảo sát trên có thể cho thấy, nguồn nhân lực AI tại TPHCM vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng và số lượng chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo PGS, TS Nguyễn Văn Vũ, Phó Trưởng khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM, năng lực đào tạo hiện nay của các trường chưa đáp ứng được nhu cầu của của thị trường lao động. Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành AI đóng vai trò quyết định trong thực hiện các quyết sách về AI của thành phố.

Do đó, các chuyên gia đề xuất, TPHCM cần có chiến lược, kế hoạch tăng cường đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực này. Trong đó, tập trung vào việc đào tạo và phát triển nhân sự, nhất là những kỹ năng chuyên môn sâu và cập nhật với những công nghệ AI mới.

Các chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước cũng rất cần thiết để thúc đẩy việc nâng cao chất lượng nhân sự AI.

Đồng thời, TPHCM cũng cần đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để thiết kế các chương trình đào tạo chuyên sâu về AI bao gồm các lĩnh vực như học máy, học sâu, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính và các ứng dụng thực tiễn của AI trong các ngành công nghiệp.

Triển khai xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo...

Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc phát triển nguồn nhân lực cần được xem là một chiến lược dài hạn, trong đó sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và nhà nước đóng vai trò quyết định. Chỉ bằng cách đào tạo đúng trọng tâm và mở rộng quy mô hợp lý, mới có thể đáp ứng được những thách thức của thời đại công nghệ số.

TIN LIÊN QUAN