Khi dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp và giãn cách xã hội tiếp nối hết lần này đến lần khác ở nhiều thành phố lớn, những lao động di cư ngày càng lo lắng trước viễn cảnh không tiền, không việc làm, đồng nghĩa sẽ không có khả năng chống đỡ với dịch bệnh. Về quê để không bị đói, về quê có cơm ăn, có gia đình, có người nương tựa và đùm bọc... trở thành lựa chọn sống còn.
Nhưng, hồi hương là đem rủi ro dịch bệnh về quê, chất thêm gánh nặng cho điểm đến - những nơi cũng đang gồng mình chống dịch và chăm lo cho cuộc sống người dân sở tại.
TS.Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh đã không cầm được những giọt nước mắt: Những cuộc hồi hương bất đắc dĩ này để lại nhiều tâm trạng. Chứng kiến rất nhiều người rời bỏ những thành phố, những khu công nghiệp nơi họ đang mưu sinh kiếm sống để về quê tránh đứt bữa, cũng như nhiều người khác, "Về quê là việc hết sức bình thường", ông nói. "Nhưng không phải trong lúc này".
Là người dân TP. Hồ Chí Minh, một đại biểu dân cử trong nhiều năm, ông Ngân hiểu những lao động trên đang lo lắng rất nhiều về nguy cơ nhiễm bệnh, lại không có thu nhập để trả tiền ăn uống và những chi phí hằng ngày...
Nhưng, hồi hương là đem rủi ro dịch bệnh về quê, chất thêm gánh nặng cho điểm đến - những nơi cũng đang gồng mình chống dịch và chăm lo cho cuộc sống người dân sở tại.
"Mong các bạn hãy bình tĩnh ở lại, TP. Hồ Chí Minh kiên quyết không bỏ rơi bất cứ ai”, ông Ngân nói.
TP. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị 1 triệu túi an sinh xã hội cho các hộ gia đình, phòng trọ sử dụng trong 1 tuần gồm 10 kg gạo, mì gói và thực phẩm... Sát cánh cùng TP. Hồ Chí Minh, nhiều địa phương cũng đồng hành thiết thực.
TP. Hồ Chí Minh được ưu tiên vắc-xin, năng lực tiêm chủng đã nâng lên. Hàng chục bệnh viện được đầu tư thần tốc. Công tác cứu trợ người dân cũng có chuyển biến lớn khi thành phố bắt đầu thiết lập mạng lưới hỗ trợ đến tận nhà, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Chi phí điện, nước, viễn thông giảm theo chỉ đạo của Chính phủ…
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch. Đây là chính sách có ý nghĩa rất lớn trong thời điểm hiện nay.