Tỉnh ven biển Nam Trung Bộ thu nhập bình quân đến 2030 đạt khoảng 150 triệu đồng/người, sẽ có Công viên địa chất toàn cầu UNESCO thứ tư tại Việt Nam

Địa phương này được du khách biết đến với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ, con người mộc mạc dễ gần.

Là một tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên có ba mặt giáp núi và hệ thống sông, đầm, vịnh, hải đảo... đa dạng. Điểm đến này hiện vẫn còn nhiều những thắng cảnh đẹp, hoang sơ và đầy bí ẩn.

Sẽ có 18 đô thị, trở thành trung tâm kinh tế biển của khu vực

Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, nằm ở phía đông dãy Trường Sơn. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 5.023,4 km2. 

Phú Yên là tỉnh có ba mặt giáp biển

Ngày 31/12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phú Yên đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 8,5-9%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 150-156 triệu đồng.

Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn dưới 1,5% năm 2030. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%. Tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp giảm còn dưới 35%. Mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 23.000-25.000 lao động.

Cơ cấu kinh tế đến năm 2030 với công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 34%; dịch vụ chiếm 46%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm khoảng 5,0%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 7,0 - 7,5%/năm.

Phú Yên sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức cao, theo hướng bền vững và là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, đưa Phú Yên trở thành một trong những tỉnh có công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của vùng, các khu công nghiệp với công nghệ hiện đại thu hút đầu tư các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao...

Phú Yên phát triển kinh tế dựa trên lợi thế biển

Theo quy hoạch, tỉnh này sẽ có 18 đô thị vào năm 2030 gồm: 1 đô thị loại I (TP Tuy Hòa), 1 đô thị loại II (TP Sông Cầu), 1 đô thị loại III (thị xã Đông Hòa), 6 đô thị loại IV (Củng Sơn, Phú Thứ, Tuy An, La Hai, Hai Riêng, Phú Hòa) và 9 đô thị loại V (Tân Lập, Sơn Long, Sơn Thành Đông, Hòa Trị, Xuân Phước, Xuân Lãnh, Trà Kê Sơn Hội, Hòa Mỹ Đông, Phong Niên).

Hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

Phát triển du lịch tỉnh Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế - xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa; lấy du lịch nghỉ dưỡng biển đảo làm chủ đạo, phát triển theo hướng cao cấp, chuyên biệt.

Điểm cực đông mũi Điện (hay mũi Đại Lãnh) là nơi đón ánh bình minh sớm nhất trên đất liền ở Việt Nam

Cùng với du lịch MICE, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với khám chữa bệnh; kết hợp thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí, khu đô thị. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, di sản văn hóa và các danh tham thắng cảnh...

Các nhà khoa học UNESCO đánh giá Phú Yên có tiềm năng và triển vọng trở thành công viên địa chất. Tỉnh này hội tụ ba giá trị di sản chính để tạo thành công viên địa chất tiềm năng, đó là di sản địa chất, di sản văn hóa và đa dạng sinh học.

Đặc biệt, Phú Yên có đặc trưng đá biến chất cổ khoảng 2,5 tỷ-542 triệu năm trước, các công trình kiến trúc thể hiện giao thoa văn hóa Chăm - Việt - Hoa - châu Âu, các hệ sinh thái cát ven biển, đầm phá, rạn san hô phong phú.

Trong quy hoạch phát triển, Phú Yên đặt mục tiêu thành lập Công viên địa chất Phú Yên hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO để xây dựng thương hiệu địa phương trong chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch quốc tế, hướng đến việc khai thác và phát huy đồng bộ, toàn diện giá trị các di sản địa chất, di sản văn hóa xã hội lịch sử, đa dạng sinh học một cách bền vững, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.

Như vậy, sau 3 địa phương gồm: Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang (năm 2010); Công viên đa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng (năm 2018) và Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông (năm 2020) thì Phú Yên có thể sẽ là địa phương thứ tư của Việt Nam có Công viên địa chất toàn cầu.

Gành Đá Đĩa sẽ được xây dựng thành Công viên địa chất tỉnh Phú Yên

Phú Yên đặt mục tiêu đến năm 2030 có tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt 7.000.000 lượt khách, trong đó có 600.000 lượt khách quốc tế, đóng góp GRDP của ngành du lịch trong tổng GRDP của tỉnh đạt khoảng 15%.

Bên cạnh đó, Phú Yên cũng tập trung phát triển dịch vụ logistics gắn với cảng hàng không Tuy Hòa, bến cảng Vũng Rô và bến cảng nước sâu Bãi Gốc, cảng cạn ICD Đông Hòa trên cơ sở tập trung cải thiện các dịch vụ lưu kho nội địa, các dịch vụ giá trị gia tăng và cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Hình thành các trung tâm logistics gắn với các đô thị lớn của tỉnh và các khu công nghiệp trên địa bàn.

Về khí hậu, Phú Yên có hai mùa rõ rệt. Mùa mưa trong khoảng tháng 9-12. Do vậy, để thuận tiện nhất cho các chuyến tham quan, du khách nên tới đây vào mùa nắng từ tháng 1-8. Ngoài ra bạn cũng có thể thu xếp đến vào những dịp lễ hội, lắng nghe hát bài chòi, một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Phú Yên mùa hè không chỉ cho du khách cơ hội đắm mình vào biển xanh mà còn là điểm săn ảnh lý tưởng của các nhiếp ảnh gia cũng như chốn phiêu lưu của các phượt thủ trẻ.

Một số điểm đến du khách có thể ghé thăm khi tới Phú Yên như gành Đá Đĩa, gành Đèn, bãi Xép, mũi Điện, vịnh Vũng Rô, bãi rêu Xóm Rớ, núi Nhạn...