Tỉnh thành hiếm hoi có 8 bảo vật quốc gia nằm ở miền Bắc Việt Nam, nổi tiếng là nơi sở hữu nhiều công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa Bắc bộ

Nằm ven dòng sông Hồng êm ả, đây sẽ là điểm dừng chân lý tưởng với những du khách ưa thích tìm hiểu văn hóa vùng miền.

Nằm cách Hà Nội khoảng 60km về hướng Đông Nam, du khách chỉ mất khoảng 1 giờ 30 phút để đến vùng đất Hưng Yên giàu truyền thống văn hóa. Dù không phải là chốn sở hữu quá nhiều cảnh quan xinh đẹp như các khu du lịch khác ở miền Bắc nhưng Hưng Yên lại là nơi có nhiều công trình kiến trúc mang giá trị lịch sử cao.

Đặc biệt hơn khi mới đây, phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định về việc công nhận 29 bảo vật quốc gia, trong đó Hưng Yên có thêm một bảo vật quốc gia được công nhận. Được biết, đây là một cổ vật hiếm thấy có niên đại từ thế kỷ 14. Như vậy, tính đến nay, tỉnh Hưng Yên đã có 8 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.

Tấm bia vừa được công nhận là bảo vật quốc gia của Hưng Yên

Hưng Yên là tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Du lịch Hưng Yên không được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những dãy núi cao hùng vĩ, những bãi biển trong xanh với bờ cát trắng trải dài nhưng Hưng Yên lại sở hữu những công trình kiến trúc độc đáo mang đậm giá trị lịch sử và vẻ đẹp yên bình đậm nét thôn quê trong mùi thơm của lúa mới đã níu chân du khách.

Đền Chử Đồng Tử

Đền Chử Đồng Tử là điểm tâm linh nổi tiếng tại Hưng Yên

Được xem là một trong những truyền thuyết được ghi nhận sớm nhất trong “Lĩnh Nam Chích Quái”, câu chuyện về Chử Đồng Tử vốn rất nổi tiếng trong dân gian và còn lưu truyền đến tận ngày nay. Hưng Yên là địa danh sở hữu hai trong tổng số ba đền thờ Chử Đồng Tử (một đền thờ ở Hà Nội). Do đó, nhắc đến địa điểm du lịch Hưng Yên không thể không kể đến hai ngôi đền này.

Đó là đền Đa Hòa (xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) và Dạ Trạch (xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Cả hai ngôi đền đều được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Riêng đền Ða Hoà sở hữu kiến trúc độc đáo với các hoa văn rồng trạm trổ trên gỗ và đôi Bách thọ được làm bằng gốm với 100 chữ khắc trên thân.

Làng hương Cao Thôn 

Nét đẹp đầy sắc màu tại Làng hương Cao Thôn

Cao Thôn là một trong những làng nghề truyền thống làm hương có quy mô lớn nhất nước ta. Khi đến tham quan nơi này, du khách không những được tận mắt ngắm nhìn những hàng hương rực rỡ sắc màu đang tắm nắng mà còn được trải nghiệm, học hỏi các công đoạn tạo ra thành phẩm.

Dù thời gian có qua đi, nghề làm hương truyền thống vẫn còn được gìn giữ và lưu truyền qua bao thế hệ ở làng Cao Thôn. Từng bó hương được làm nên bởi lòng yêu nghề và cả lòng thành tâm của người dân nơi đây.

Chùa Phúc Lâm - ngôi chùa dát vàng độc nhất vô nhị

Ngôi Chùa dát vàng độc nhất vô nhị tại Hưng Yên

Kiến trúc dát vàng tạo ấn tượng vô cùng mạnh mẽ với du khách khi đến thăm Chùa Phúc Lâm. Vẻ đẹp hào nhoáng, lộng lẫy với sắc vàng rực rỡ của ngôi chùa sẽ khiến bạn có chút liên tưởng đến các công trình chùa chiền tại Thái Lan. 

Tới đây, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những kiến trúc ấn tượng, với thiết kế tinh xảo. Khung cảnh bình yên của nơi đây cũng sẽ phần nào giúp lòng bạn như bình yên hơn sau bao bộn bề ở ngoài kia.

Phố Hiến - ghé thăm thương cảng một thời lừng danh

Mấy ai nghĩ Phố Hiến cổ kính này đã từng là một thương cảng tấp nập nhất vịnh Bắc Bộ

Bên cạnh các danh lam thắng cảnh như đền thờ Chử Đồng Tử, chùa Phúc Lâm… Hưng Yên còn có một thương cảng lâu đời nhất cả nước - phố Hiến. Có một câu tục ngữ dân gian nói "thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì phố Hiến", nghe cũng biết được nơi đây đã từng có một thời vàng son như thế nào.

Trái ngược với sự sầm uất của ngày xưa, Phố Hiến ngày nay yên bình và cổ kính với các ngôi nhà cổ, mái đình làng và cây đa trăm tuổi. Du khách cũng có thể kết hợp khám phá nhiều địa điểm tâm linh khác tại Phố Hiến như chùa Hiến, đền Mẫu, và chùa Chuông.

Làng Thủ Sỹ

Khung cảnh yên bình ở Làng Thủ Sỹ

Một trong những địa điểm du lịch Hưng Yên vẫn giữ được cho mình nét đẹp cổ xưa đó chính là làng Thủ Sỹ. Sau thời gian bộn bề với công việc được ghé qua làng Thủ Sỹ chắc chắn tâm hồn của bạn sẽ được an yên với một miền quê đúng nghĩa.

Khi bước đến ngôi làng này, trước tiên sẽ cảm nhận bản thân như được trở về những ngày thơ bé. Đó chính là những ngôi nhà được lợp mái đỏ phủ lớp rêu xanh. Đó cũng chính là nụ cười chân chất thật thà của những người thợ thủ công và những câu chuyện xóm làng đậm chất thân thương. Những sản phẩm chủ lực phải kể đến là rọ, đơm,... được khéo léo làm nên. Nếu như ngày xưa những món đồ này được sử dụng để đánh bắt thủy sản thì hiện nay nó lại được sử dụng trong trang trí cảnh quan, thậm chí còn được xuất khẩu đi nước ngoài.