Dự án Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập vào năm 2021. Đây sẽ là khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An được giao chủ trì lập Đồ án quy hoạch chung Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2045.
Theo đó, Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ có tổng diện tích 618ha. Chức năng của khu công nghiệp là thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực lâm nghiệp, gồm sản xuất giống lâm nghiệp, trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng như vùng Bắc Trung Bộ.
Khu lâm nghiệp sẽ được cơ cấu phân khu chức năng vưới 3 khu chuyên biệt: Khu trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao (48ha) tại huyện Nghi Lộc; khu sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ ứng dụng công nghệ cao (530ha) tại huyện Nghi Lộc và huyện Đô Lương; khu sàn giao dịch kết hợp triển lãm giới thiệu sản phẩm chế biến từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ (40ha) tại huyện Nghi Lộc.
Đồ án quy hoạch cũng xác định rõ các hạng mục, dự án ưu tiên đầu tư nhằm sớm phát huy hiệu quả của dự án. Đặc biệt, hệ thống giao thông được chú trọng. Trong đó, tuyến đường nối Quốc lộ 7C, Quốc lộ 48E; khu công nghiệp, công cộng dịch vụ dọc trục đường nối Quốc lộ 7C, Quốc lộ 48E; khu vườn ươm, khu sản xuất giống lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 17.531 tỷ đồng. Dự kiến khi đi vào hoạt động, Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ sẽ tạo việc làm cho khoảng 60.000-70.000 người lao động.
Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ sẽ được trình HĐND tỉnh Nghệ An xem xét, thông qua tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2024vào dầu tháng 7. Sau đó, Đồ án sẽ được trình Bộ Xây dựng thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Khi đồ án được thông qua và thực hiện triển khai sẽ thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao trong các khâu sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế - xã hội, môi trường. Đồng thời, dự án cũng phát triển kinh tế rừng theo chuỗi giá trị từ giống, quản lý rừng bền vững, trồng rừng chất lượng cao, khai thác và chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản.
Đây cũng là dự án tạo nhiều việc làm, thúc đẩy đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Nghệ An là tỉnh có đầy đủ các loại địa hình bao gồm núi cao, trung du, đồng bằng và ven biển. Không chỉ là tỉnh rộng nhất Việt Nam với diện tích 16.490,25km2, Nghệ An còn có đường biên giới quốc gia với Lào dài nhất nước với 419km trên bộ.