Miền đất cổ 'địa linh nhân kiệt'
Ninh Bình là một vùng đất cổ, nơi có con người cư trú từ thời tiền sử cách đây hơn 30 ngàn năm. Những kết quả khảo cổ học mới được phát hiện tại Cố đô Hoa Lư và một số địa danh trong tỉnh đã cung cấp thêm nhiều bằng chứng khoa học cho thấy nơi đây đã từng là một trị sở to lớn ngay từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, trước khi hình thành kinh đô Hoa Lư.
Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Bình, vào năm 968, sau khi đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, chọn Hoa Lư làm kinh đô, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, mở nền chính thống quốc gia, đây là sự kiện hết sức trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là sự tiếp nối quốc thống của các vua Hùng.
Tiếp nối sự nghiệp của Triều Đinh, vua Lê Đại Hành đã phá Tống, bình Chiêm, xây dựng Đại Cồ Việt thành quốc gia hưng thịnh. Mùa thu năm Canh Tuất 1010, vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước. Hoa Lư đã trở thành nơi lưu giữ những giá trị khởi nguyên trong hành trình phục hưng dân tộc.
Qua bao thăng trầm của lịch sử, từ thời kỳ nhà Đinh cho tới nhà Nguyễn Tây Sơn, vùng đất này đã qua nhiều tên gọi: Trường Yên, Đại Hoàng, Thiên Quan rồi lại đổi thành Trường Yên. Từ thời nhà Mạc đến thời nhà Nguyễn, được gọi là Thanh Hoa ngoại trấn. Năm Gia Long thứ 5, đổi thành đạo Thanh Bình. Tới năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đạo Thanh Bình được đổi thành đạo Ninh Bình, tên gọi Ninh Bình với hàm ý là vùng đất an toàn, vững chãi, bình yên có từ đó.
Đường bờ biển ngắn nhất Việt Nam
Ninh Bình có trên 15km bờ biển. Vùng này thuộc diện tích của 4 xã ven biển huyện Kim Sơn là: Kim Trung, Kim Hải, Kim Đông, Kim Tân, diện tích khoảng 6.000 ha, chiếm 4,2% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Đất đai ở đây còn nhiễm mặn nhiều do mới bồi tụ nên đang trong thời kỳ cải tạo, vì vậy chủ yếu phù hợp với việc trồng rừng phòng hộ (sú, vẹt), trồng cói, trồng một vụ lúa và nuôi trồng thuỷ hải sản.
Theo cổng TTĐT tỉnh, Ninh Bình cũng là địa phương có đường bờ biển ngắn nhất nước ta. Ở vị trí điểm mút của cạnh đáy tam giác châu thổ sông Hồng, tỉnh có cả 3 loại địa hình: đồi núi, đồng bằng và ven biển nên đa dạng trải nghiệm cho khách du lịch. Kim Sơn là huyện duy nhất của Ninh Bình giáp biển. Bờ biển hàng năm được phù sa bồi đắp lấn ra trên 100 m.
Cửa Đáy là cửa lớn nhất, có độ sâu khá, đảm bảo tàu thuyền lớn, trọng tải hàng ngàn tấn ra vào thuận tiện. Vùng biển Ninh Bình có tiểm năng nuôi trồng, khai thác, đánh bắt nguồn lợi hải sản với sản lượng từ 2000÷2.500 tấn/năm.
Sở hữu quần thể danh thắng được UNESCO công nhận là di sản thế giới
Du lịch của tỉnh tương đối phong phú, đa dạng, đặc biệt có Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO được ghi danh - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Nhiều núi, hồ, rừng với các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như: Tam Cốc- Bích Động, rừng quốc gia Cúc phương; khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Nhà thờ đá Phát Diệm, động Vân Trình...
Cách Hà Nội khoảng 100 km, Ninh Bình là lựa chọn phù hợp với những du khách không có nhiều thời gian nhưng muốn khám phá thiên nhiên hùng vĩ.
Ninh Bình là nơi bạn có thể ghé thăm vào nhiều thời điểm trong năm. Tuy nhiên, nên đến đây vào mùa xuân (tháng 1 - 3) khi tiết trời mát mẻ, có nhiều lễ hội và mùa hè (tháng 5 - 8) để ngắm những cánh đồng lúa chín vàng hay các đầm sen thơm ngát.
Đến Ninh Bình, không thể bỏ qua các đặc sản cơm cháy, thịt dê tái chanh, dê xào lăn, dê nướng, cua đồ rang lá lốt, gỏi cá nhệch...
Thịt dê là món ăn được nhiều du khách yêu thích khi tới đây. Dê ở Ninh Bình được chăn thả trên các ngọn núi đá nên thịt săn chắc và dai. Để tìm được các hàng quán uy tín, có dê núi chuẩn, thực khách nên tìm đến vùng núi như Hoa Lư, xung quanh khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc...
Một số điểm đến ở Ninh Bình không thể bỏ qua:
1. Tràng An
Nơi đây thu hút du khách với phong cảnh núi non hùng vĩ cùng những dòng sông nhỏ quanh co, các thung lũng hoang sơ... Giá vé tham quan Tràng An là 250.000 đồng với người lớn, trẻ em dưới 1,4 m là 100.000 đồng. Hướng dẫn viên đi cùng sẽ mất phí 300.000 đồng một tour.
Đến đây, có thể chọn một trong 3 tuyến du lịch bằng thuyền để tham quan các hang động. Tuyến một sẽ đưa du khách qua 9 hang động, đền Trình - đền Trần - phủ Khống. Tuyến 2 đi qua 4 hang động và đền thánh Cao Sơn - hành cung Vũ Lâm - đền Trần suối Tiên. Tuyến 3 gồm 3 hang động, đền Trình - đền Trần suối Tiên - hành cung Vũ Lâm. Thời gian tham quan mỗi tour kéo dài từ 2 - 3 tiếng.
2. Tam Cốc – Bích Động
Đến đây, du khách trước tiên thường đi thăm chùa Bích Động – "Nam thiên đệ nhị động" để có thể nhìn được toàn cảnh từ trên cao. Sau đó, du khách có thể ngồi thuyền xuôi dòng Ngô Đồng để khám phá Tam Cốc. Tam Cốc nghĩa là ba hang: hang Cả, hang Hai và hang Ba. Tam Cốc đẹp ngỡ ngàng trong mắt du khách với các dãy núi đá vôi cao sừng sững, cùng những tạo hình kỳ thú ở các hang động và những cánh đồng lúa chín vàng hai bên. Phí tham quan 120.000đ/ người, phí đi thuyền tuyến Tam Cốc 150.000/ chuyến.
3. Hang Múa
Cách Tràng An khoảng 15 phút lái xe, khu du lịch Hang Múa nằm ngay dưới chân núi. Giá vé vào cổng 100.000 đồng/ người lớn. Nơi đây là địa điểm du khách thường check-in khi đến thăm Ninh Bình. Để lên được tới đỉnh Hang Múa, du khách sẽ phải leo bộ qua khoảng 500 bậc đá, trời khá nóng nên lưu ý mang theo nước. Từ đỉnh Hang Múa sẽ ngắm được toàn cảnh Ninh Bình tuyệt đẹp với những dòng sông uốn lượn, đồng lúa và núi non hùng vĩ. Du khách có thể dành khoảng 2 - 3 giờ lưu lại khu du lịch để tham quan, chụp hình.
4. Cố đô Hoa Lư
Hoa Lư từng là kinh đô của Việt Nam từ năm 968 – 1010, trải qua 3 triều đại Đinh – Tiền Lê – Tiền Lý. Đây là một trong bốn vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An được UNESCO công nhận. Tại đây, du khách thăm đền vua Đinh (Đinh Tiên Hoàng), vua Lê (Lê Đại Hành) và bảo tàng lưu giữ các kỉ vật. Hai ngôi đền này được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, xung quanh có nhiều cây xanh. Du khách nên đăng ký nghe thuyết minh trong quá trình tham quan để hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử nơi này. Vé vào cửa mỗi người là 20.000 đồng.
5. Chùa Bái Đính
Quần thể chùa Bái Đính được xây dựng từ năm 2003, có diện tích hơn 500 ha, được bao bọc bởi những vòng cung núi đá vôi kỳ vĩ. Chùa được chia thành 2 khu: Tân tự và Cổ tự. Tại đây, du khách có thể đi bộ tham quan hoặc di chuyển bằng xe điện (giá 30.000 đồng/ người/ lượt). Một số điện mà du khách thường ghé thăm khi tới là chùa Pháp Chủ (gồm có 5 gian, gian giữa đặt tượng Phật Thích Ca cao 10m, nặng 100 tấn), điện Tam Thế... hoặc có thể lên tháp chuông để chiêm ngưỡng Đại hồng chung nặng 36 tấn.
*Nguồn thông tin: Cổng TTĐT tỉnh Ninh Bình.