Hà Giang là tỉnh miền núi vùng cao cực bắc của Tổ quốc, có diện tích đất tự nhiên là 7.929,48 km2, cách Hà Nội 318 km theo đường bộ. Phía bắc tỉnh Hà Giang giáp với tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc với trên 277km đường biên giới; phía đông giáp tỉnh Cao Bằng; phía nam giáp tỉnh Tuyên Quang; phía tây và tây nam giáp tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Khoảng 90% diện tích Hà Giang là đồi núi.
Địa hình của tỉnh Hà Giang khá phức tạp, có nhiều ngọn núi đá cao và sông suối, có thể chia làm 3 vùng. Vùng cao núi đá phía bắc nằm sát chí tuyến bắc, có độ dốc khá lớn, thung lũng và sông suối bị chia cắt nhiều. Nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm nhưng do địa hình cao nên khí hậu Hà Giang mang nhiều sắc thái ôn đới. Vùng cao núi đất phía tây thuộc khối núi thượng nguồn sông Chảy, sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng và lòng suối hẹp. Vùng thấp trong tỉnh gồm vùng đồi núi, thung lũng sông Lô và TP Hà Giang.
Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi với nền văn hoá lâu đời thuộc niên đại đồ đồng Đông Sơn, có các di tích người tiền sử ở Bắc Mê, Mèo Vạc. Đây cũng là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thuộc vùng Đông Bắc sinh sống, với 22 dân tộc có nhiều phong tục tập quán, văn hoá truyền thống và những lễ hội rất sinh động đã làm Hà Giang trở thành nơi hấp dẫn du khách đến tham quan.
Bên cạnh đó, Hà Giang có nhiều núi non hùng vĩ, có đỉnh Tây Côn Lĩnh (2419m) và đỉnh Chiêu Lầu Thi (2402m) là cao nhất. Du khách còn có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời trên đèo Mã Phí Lèng, dốc Thẩm Mã, con đường Hạnh Phúc với những cung đường thách thức mọi phượt thủ...
Về thực vật, Hà Giang có nhiều khu rừng nguyên sinh, nhiều gỗ quý và có tới 1000 loại cây dược liệu. Động vật có hổ, chim công, chim trĩ, tê tê, và nhiều loại chim thú khác.
Năm 2010, Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Tháng 9/2012, Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được công nhận là Di tích quốc gia.
Lợi thế trong phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang còn là cảnh quan môi trường độc đáo và nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ít nơi có được như suối Tiên, cổng Trời, thác nước Quảng Ngần, khu Nậm Má, khu Chum Vàng Chum Bạc, di tích nhà họ Vương, thảo nguyên Suôi Thầu, sông Nho Quế, cột cờ Lũng Cú…
Một thế mạnh khác của Hà Giang là việc khai thác du lịch quá cảnh sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), quan hệ du lịch và thương mại hai chiều nếu được mở ra sẽ góp phần đáng kể và sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Các sản phẩm du lịch tại Hà Giang cũng được phát triển theo hướng đa dạng, phong phú và hấp dẫn; đặc biệt là khắc phục được tính mùa vụ bằng cách xây dựng sản phẩm du lịch trải đều 4 mùa trong năm. Mùa xuân Hà Giang rực rỡ với sắc hoa đào, lê, mận; mùa hè trải nghiệm ruộng bậc thang mùa nước đổ, về thăm chiến trường xưa gắn với mặt trận Vị Xuyên. Mùa thu du khách được nhìn ngắm lúa chín vàng trên ruộng bậc thang, chinh phục núi cao, săn mây đỉnh Chiêu Lầu Thi. Mùa đông của Hà Giang nổi tiếng với bạt ngàn sắc hoa tam giác mạch...
Hà Giang còn có bốn mùa của lễ hội. Tháng giêng đi hội Lồng Tồng của người Tày, hội Gầu Tào của người Mông, tháng hai đi Hội Khèn Mông, tháng ba đi hội chợ tình Khau Vai, tháng năm đi lễ Thần Rừng của người Lô Lô, tháng bảy đi hội Khu Cù Tê của người La Chí, tháng tám hội đua thuyền, tháng mười đi hội nhảy lửa, hội dệt thổ cẩm, tháng mười một đi hội hoa tam giác mạch...
Truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc (trang phục, kiến trúc nhà truyền thống, tập quán, phương thức canh tác...) cũng là một trải nghiệm không thể thiếu khi du khách đến với Hà Giang vào các mùa trong năm.
Các món ăn truyền thống của các dân tộc vùng cao cũng được nâng tầm thành các sản phẩm văn hóa ẩm thực đa dạng, độc đáo phục vụ du khách. Hà Giang đã có 4 đặc sản lọt top 100 đặc sản quà tặng nổi bật gồm: mật ong bạc hà, chè san tuyết Hoàng Su Phì, bánh tam giác mạch và hồng không hạt Quản Bạ và 4 món ăn lọt top 100 đặc sản quà tặng nổi bật gồm: mèn mén, cháo ấu tẩu, thắng cố và thịt treo gác bếp, 3 món nằm trong top 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam gồm cá bỗng, phở ngô, cháu ấu tẩu.
Sức hấp dẫn của du lịch Hà Giang nằm ở những giá trị văn hóa bản địa và du lịch cộng đồng. Sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc bản địa đã giúp các mô hình du lịch cộng đồng thành công và “trụ vững”, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
Đến nay, hệ thống hạ tầng du lịch Hà Giang không ngừng phát triển với 90 điểm du lịch đang hoạt động, trong đó có 16 điểm đã được công nhận và 84 điểm chưa được công nhận theo 4 loại hình gồm: 29 điểm du lịch văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh; 36 điểm du lịch cộng đồng, làng nghề; 17 điểm du lịch tâm linh; 8 điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí.
Những năm gần đây, hoạt động du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tính tới hết tháng 9, Hà Giang đón khoảng 2,1 triệu lượt khách, trong đó có gần 220.000 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Địa phương này đang trở thành điểm đến hàng đầu với giới backpacker (Tây balo). Nhiều du khách nước ngoài nói biết đến Hà Giang từ lời kể của người đi trước và những video về cung "Hà Giang loop" được chia sẻ trên mạng xã hội.
Đặc biệt, Hà Giang được công nhận là Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu Châu Á do Giải thưởng Du lịch Thế giới World Travel Awards (WTA) lần thứ 30 khu vực châu Á và châu Đại Dương bình chọn. Tờ New York Times (Mỹ) xếp Hà Giang vào top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới; một trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam do The Travel (Canada) bình chọn.