Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên, đơn vị đang triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng tuyến đường mới nhằm kết nối đến Khu liên hợp thể thao tỉnh Thái Nguyên tại xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên.
Theo đó, tuyến đường này sẽ nối đường Bắc Sơn với khu liên hợp đang được xây dựng này với điểm đầu giao với đường Bắc Sơn tại vị trí gần nhà thờ giáo xứ Tân Thành. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị với tổng chiều dài 2,71km, nền đường rộng 36m, đường có dải phân cách giữa rộng 7m, mặt đường mỗi bên trộng 21m, lề đường 12m với đàu đủ hệ thống cầu, mương thoát nước và hệ thống đèn chiếu sáng... Tổng vốn đầu tư cho dự án gần 500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Thái Nguyên.
Dự án khi được đi vào hoạt động sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tàng giao thông của khu vực, nâng cao năng lực kết nối giao thông, củng cố và tăng cường an ninh - quốc phòng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thúc đảy phát triển văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Dự kiến, tuyến đường sẽ được khởi công trong năm 2024 và hoàn thiện trong quý II/2025 để có thể kịp thời hỗ trợ đưa dự án xây dựng sân vận động khu vực tỉnh Thái Nguyên đi vào khai thác, hoạt động.
Về Khu liên hợp thể thao tỉnh Thái Nguyên, nổi bật nhất trong khu liên hợp này chính là dự án sân vận động Thái Nguyên với sức chứa lên đến 22.000 chỗ ngồi. Tổng vốn đầu tư cho dự án là hơn 535 tỷ đồng. Sân vận động sẽ có đầy đủ các trang thiết bị như mái che và các hệ thống trang thiết bị đồng hồ hiện đại, diện tích sân bóng đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, đường pitch bao quanh với 8 đường chạy vòng, 10 đường chạy thẳng theo tiêu chuẩn IAAF, cùng với đó là các khu vực phục vụ thi đấu các bộ môn điền kinh như nhảy cao, nhảy xa hay đẩy tạ… đều đạt các tiêu chuẩn thi đấu quốc tế.
Theo kế hoạch, thời gian thực hiện dự án đến hết quý II/2025, nhưng với tiến độ thi công sân vận động "thần tốc", đơn vị chủ đầu tư và nhà thầu đang nỗ lực phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành công trình.
Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2050 đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước. Thái Nguyên cũng là địa phương đầu tiên và duy nhất của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ được định hướng quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương.