Theo WHO, rõ ràng là số lượng vaccine phòng chống COVID-19 hiện phân phối chưa được công bằng, trong khi nước giàu thì hủy vì quá hạn sử dụng, còn những nước nghèo ở châu Phi lại không có đủ liều để tiêm cho dân chúng. Trước nghịch lý này, Tổng thống Macron đã làm một hành động nghĩa hiệp.
Pháp tăng gấp 2 lần viện trợ vaccine COVID-19 cho các nước nghèo
Trong một tuyên bố qua video phát tại buổi hòa nhạc Công dân toàn cầu tại Paris ngày 25/9, Tổng thống Macron cam kết Pháp sẽ tăng gấp đôi số vaccine ngừa COVID-19 viện trợ cho các nước nghèo hơn lên con số 120 triệu liều.
Ông nói: “Sự bất công là ở chỗ tại các châu lục khác, rõ ràng là việc triển khai vaccine chậm trễ hơn rất nhiều. Tại châu Phi, mới chỉ có 3% dân số được tiêm – chúng ta cần phải hành động khẩn trương hơn, mạnh mẽ hơn. Pháp cam kết tăng gấp đôi lượng vaccine viện trợ”.
Trong vấn đề tăng vaccine cho Lục địa đen, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đi tiên phong. Ngày 22/9, Mỹ thông báo tăng gấp đôi viện trợ vaccine ngừa COVID-19 lên tổng cộng 1,1 tỉ liều, còn EU cũng đã cam kết phân phối 500 triệu liều.
Trước đó, ngày 21/9, trong thông điệp video gửi tới Liên hợp quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã cam kết cung cấp cho thế giới tổng cộng 2 tỉ liều vaccine đến cuối năm 2021.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO, đã nhiều lần phê phán tình trạng bất công trong việc tiếp cận vaccine COVID-19 giữa các nước giàu và nghèo. Đầu tháng 9/2021, ông nhấn mạnh sẽ không im lặng khi các công ty và quốc gia kiểm soát nguồn cung vaccine toàn cầu cho rằng người nghèo trên thế giới nên hài lòng với số vaccine viện trợ hiện nay.
Theo thống kê chính thức, lượng vaccine dành cho hơn 1,3 tỉ người tại 53 nước châu Phi tương ứng với tỉ lệ 10 liều/100 người dân. Trong khi đó 368 triệu người tại Mỹ và Canada có lượng vaccine tương ứng với 120 liều/100 người. Theo ông, đây là một sự chênh lệch cần được cải thiện trong tương lai.
Pháp nỗ lực tăng gấp 2 lần viện trợ vaccine COVID-19 cho các nước nghèo tại châu Phi (Ảnh: AFP)
Malaysia rút ngắn thời gian giữa 2 mũi tiêm vaccine AstraZeneca
Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin đã quyết định rút ngắn thời gian giữa 2 mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca từ 9 tuần xuống còn 6 tuần. Đây là lần thứ hai Bộ Y tế nước này quyết định rút ngắn thời gian giữa 2 mũi tiêm đối với loại vaccine này. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/10.
Bộ trưởng Jamaluddin cho biết điều này sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những người tiêm loại vaccine của AstraZeneca hoàn thành liệu trình tiêm chủng.
Malaysia bắt đầu triển khai tiêm vaccine của AstraZeneca từ tháng 5/2021 với thời gian giữa 2 mũi tiêm ban đầu là 12 tuần. Theo khuyến nghị của Vương quốc Anh, với khoảng thời gian giữa hai mũi tiêm như vậy, vaccine sẽ có hiệu lực là 82,4%. Tuy nhiên, đến tháng 7, Bộ Y tế Malaysia đã quyết định giảm xuống còn 9 tuần do các ca mới tăng mạnh theo cấp số nhân tại nước này.
Tiến sĩ Awang Bulgiba Awang Mahmud - Giáo sư dịch tễ học của Đại học Malaysia cho biết vaccine của Pfizer-BioNTech và của AstraZeneca đã cho thấy có tác dụng chống lại biến thể Delta sau 2 mũi tiêm, tiêm một mũi không mang lại hiệu quả bảo vệ tối ưu. Do đó, việc giảm khoảng cách giữa 2 lần tiêm xuống còn 6 tuần nhằm cân bằng giữa việc cố gắng đạt được mức kháng thể tối đa và đảm bảo rằng có sự bảo vệ tối ưu chống lại biến thể Delta.
Hiện Malaysia đã tiêm được đủ hai mũi cho 82,5% người trưởng thành, do vậy việc giảm khoảng cách giữa hai mũi tiêm để những người tiêm vaccine của AstraZeneca hoàn thành tiêm chủng là rất quan trọng trong việc phòng chống virus SARS-CoV-2.
Trong bối cảnh đó, nhằm nhanh chóng xét nghiệm và cách ly nhiều ca mắc COVID-19, Bộ Y tế Malaysia quyết định thành lập Lực lượng Đặc nhiệm phản ứng nhanh quốc gia. Lực lượng này sẽ tập trung vào việc nhanh chóng xét nghiệm và cách ly những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.