Tỉnh duy nhất có sân bay trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc của cả nước, có địa danh lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Không chỉ là tỉnh duy nhất ở Tây Bắc có sân bay, địa phương này cũng có nhiều “chứng nhân lịch sử” hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Tỉnh thành duy nhất ở Tây Bắc có sân bay

Sân bay Điện Biên (phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ) được khôi phục từ sân bay Mường Thanh - một công trình được xây dựng bởi người Pháp từ năm 1939.

Vào ngày 27/3/2001, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án mở rộng sân bay Điện Biên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của Điện Biên và khu vực Tây Bắc.

Dự án mở rộng sân bay Điện Biên đã bắt đầu thi công từ tháng 1/2022 và chính thức đóng cửa sân bay để tiến hành sửa chữa từ tháng 4. Tổng mức đầu tư cho công trình này là 1.467,7 tỷ đồng do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư, chi phí giải phóng mặt bằng là 1.555 tỷ đồng, được tài trợ từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên.

Sau quá trình nâng cấp và mở rộng, Cảng hàng không Điện Biên được kỳ vọng sẽ đóng góp vào việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực phát triển ngành du lịch, thương mại và dịch vụ. 

Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận để đưa vào hoạt động lại từ ngày 2/12. 

Với việc đường hàng không được mở rộng, sẽ là cơ hội lớn để phát triển du lịch cho Điện Biên, nhiều du khách muốn ghé thăm tỉnh Tây Bắc này có thêm lựa chọn di chuyển thuận tiện. Và dưới đây là 5 địa điểm du khách nhất định phải đến khi đến khi tới với vùng đất  Điện Biên.

Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ

Quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên bao gồm các di tích nổi bật như: Đồi A1, đồi Ðộc Lập, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, cầu Mường Thanh, hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hay hầm Đờ Cát), Tượng đài chiến thắng, Tượng đài kéo pháo, Sở chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ... Những di tích này đã để lại ấn tượng sâu sắc, thu hút nhiều du khách tham quan khi đến với Điện Biên.

Đây là một không gian lịch sử và cũng là sản phẩm du lịch nổi bật, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nhắc nhở người Việt Nam về ký ức hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Cực Tây Tổ quốc A Pa Chải - nơi “một tiếng gà gáy 3 nước đều nghe”

Cực Tây được coi là điểm khó chinh phục nhất trong bốn cột mốc địa đầu Tổ quốc. Đây là nơi đánh dấu điểm cực Tây của lãnh thổ Việt Nam, nằm tại một cột mốc biên giới ba nước: Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Mỗi mặt của cột mốc đều có biểu tượng quốc huy và tên ghi rõ quốc gia.

Để đến Cực Tây, du khách phải trải qua một hành trình đầy thách thức qua các địa hình phức tạp, từ lái xe vượt qua địa hình khó khăn đến leo núi và lội qua rừng rậm... Khi hoàn thành những quãng đường kể trên, đích đến sẽ đem lại sự thỏa mãn và tự hào tuyệt đối cho những ai chạm được tay lên cột mốc thiêng liêng.

Đèo Pha Đin

Đèo Pha Đin nối liền hai tỉnh Điện Biên và Sơn La, có độ cao 1.648m so với mực nước biển, còn được Phạ Đin theo ngôn ngữ của dân tộc Thái, trong đó "Phạ" có nghĩa là trời, "Đin" là đất - hòa quyện là nơi trời và đất gặp nhau. Trong cuộc chiến Điện Biên Phủ, đèo này chịu trọng trách đón nhận hàng nghìn tấn bom đạn, và hiện nay nó đã trở thành Di tích Quốc gia và một trong "tứ đại đỉnh đèo" vùng Tây Bắc.

Năm 2005, Chính phủ quyết định đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 6 đi Tây Bắc. Trong dự án này, đoạn từ Sơn La đến Tuần Giáo đã được thi công từ 2006 đến 2009, chia đèo Pha Đin thành hai tuyến: Cũ và Mới từ ngã 3 đỉnh đèo.

Dù là chinh phục đèo Pha Đin cũ hay mới, du khách đều được tận hưởng vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên. Từ xa, dãy đèo như những sợi dây kết nối những ngọn núi, vươn lên giữa không trung. Đường đèo uốn lượn, ngoằn ngoèo, đẹp như tranh vẽ.

Mường Nhé - Khu bảo tồn thiên nhiên duy nhất ở Điện Biên

Con đường tới Mường Nhé không khó khăn như đường tới A Pa Chải. Từ thị trấn Mường Chà, bạn chỉ cần đi theo con đường dẫn lên biên giới - Mường Chà - Si Pha Phin để đến được khu bảo tồn này.

Hiện tại, diện tích tổng cả khu bảo tồn là gần 310.262 ha, trong đó có khoảng 118.000 ha là đất rừng nguyên sinh đa dạng với nhiều loại cây quý hiếm.

Khi đặt chân đến đây và nhìn từ đỉnh cao, du khách sẽ bắt gặp một bức tranh thủy mặc tuyệt vời. Mảng xanh của rừng cây kết hợp tinh tế với sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ tạo nên một khung cảnh hùng vĩ. Trên hành trình đến đỉnh núi, bạn sẽ được trải nghiệm sự đa dạng của các loại cây.

Nghiên cứu cho biết khu bảo tồn này chứa đựng khoảng 37 loại động vật quý hiếm như gấu chó, hổ báo, sói đỏ, tê tê. Đồng thời, Mường Nhé còn sở hữu với hơn 308 loại thực vật có giá trị khoa học, trong đó có hơn 68 loại thuốc nam quý hiếm.

Hồ Pá Khoang - hồ nước có chiều rộng lớn nhất  Điện Biên 

Hồ Pá Khoang nằm ở ranh giới giữa hai xã Mường Păng và Bá Khoang, cách di tích chiến dịch Điện Biên Phủ 8km về phía Tây.

Khu vực xung quanh hồ được xây dựng với hơn 300 loài động vật và 700 loài thực vật tạo nên không khí trong lành và mát mẻ. Đây là địa điểm lý tưởng cho các hoạt động dã ngoại cùng gia đình và người thân.

Với vẻ đẹp hữu tình và bề thế của làn nước xanh biếc, hồ Pá Khoang được biết đến như "Vịnh Hạ Long trên cạn". Nếu bạn đang tìm kiếm một địa điểm check-in độc đáo, đây chắc chắn là một điểm đến không thể bỏ qua.